Xuân Đinh Dậu 2017
Nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nông dân. Trước tình hình đó, nông dân làm thế nào để ứng phó, thích nghi?
Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. HCM - Yakabe Yoshiori và lãnh đạo tỉnh khảo sát tình hình sạt lở cầu Chiên Túp 1 (TP. Bạc Liêu) do nước biển dâng. Ảnh: M.Đ
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: M.Đ
Mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Ảnh: Thanh Toàn
Ảnh hưởng của BĐKH
Mùa khô năm 2015 - 2016, nông dân Bạc Liêu chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Theo thống kê, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm diện tích lúa bị thiệt hại gần 15.000ha, ước tính trên 164 tỷ đồng; số hộ dân chịu thiệt hại hơn 11.000 hộ. Bên cạnh đó, ở vùng ven biển cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt do mực nước ngầm bị hạ thấp xuống 2m. Cùng với đó là hiện tượng sạt lở kè Gành Hào, cầu Chiên Túp 1, sụp mái kè Nhà Mát, cống đập ngăn mặn Phước Long bị vỡ, ước tính tổng số tiền để khắc phục hơn 5 tỷ đồng.
Hạn hán, xâm nhập mặn là đợt thiên tai nghiêm trọng, nên tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân vào cuộc phòng chống. Theo đó, ngành chức năng đã kịp thời theo dõi, chỉ đạo điều tiết nước phục vụ sản xuất như: đắp đập, bơm chuyền, nạo vét các tuyến kênh nội đồng cấp bách; vận động người dân gia cố bờ bao bơm trữ nước tối đa vào đồng ruộng, ao vuông. Ngoài ra, công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn, mặn được triển khai kịp thời nhằm giúp người dân ổn định sản xuất...
Để giúp nông dân ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng từng bước hiểu và biết cách ứng phó, thích ứng với BĐKH, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền nâng cao nhận thức hội viên về tác động của BĐKH. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Nguyễn Hồng Lý cho biết: “Các cấp Hội Nông dân vận động nông dân ở những vùng bị xâm nhập mặn tìm hướng chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp; chọn - tạo các giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng; nhân rộng mô hình nuôi trồng mang tính bền vững…”.
Những mô hình thích ứng
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường dâng…, nông dân đã nhanh chóng thích ứng và tìm mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững. Điển hình là mô hình lúa - tôm. Mô hình này đã được nông dân sản xuất khá lâu, tập trung nhiều ở các huyện Phước Long, Hồng Dân, TX. Giá Rai. Đây là mô hình sản xuất mang tính bền vững, được các ngành chuyên môn khuyến cáo nhân rộng. Lợi nhuận từ mô hình này dao động từ 50 - 100 triệu đồng/ha.
Mô hình cánh đồng sinh thái ứng dụng trên lúa - tôm cũng rất hiệu quả. Đây là mô hình mới, bằng cách trồng hoa trên bờ ruộng cân bằng sinh thái và thực hiện “con tôm ôm gốc lúa”. Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) có 3ha áp dụng mô hình này. Sau khi thu hoạch, chỉ tính riêng lúa, ông Đoàn thu lãi hơn 31 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với ruộng không áp dụng mô hình. Mô hình này, năm nay được UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất khoảng 10.000ha thuộc các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần TX. Giá Rai. Vì vậy, diện tích sản xuất lúa - tôm tăng lên khoảng 40.000ha.
Các mô hình: tôm - rừng, tôm - cua - cá - rừng, tôm - cua - rừng… cũng được nông dân áp dụng để thích ứng với tình trạng BĐKH.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung, cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền để nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, thích ứng với BĐKH. Ngành Nông nghiệp cần quan tâm nghiên cứu các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp của từng tiểu vùng để nhân rộng áp dụng sản xuất”.
Để ứng phó với BĐKH, tỉnh có 101 dự án thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có 39 dự án phi công trình và 69 dự án công trình với tổng kinh phí 20.000 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã và đang thực hiện 16 dự án giai đoạn 2012 - 2020 như: Khôi phục, nâng cấp đê biển Đông; xây dựng kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát; phục hồi rừng; xây dựng công trình ngăn triều cường… Các công trình được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phòng chống BĐKH.
Minh Đạt
Tại Bạc Liêu, phát biểu trong buổi làm việc với 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Các tỉnh ĐBSCL, nhất là Bạc Liêu cần tập trung rà soát lại quy hoạch… Xây dựng mới quy hoạch phải gắn với đề án tái cấu trúc nền kinh tế của vùng, địa phương, gắn với ứng phó BĐKH. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thích ứng với BĐKH.
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải