Xây dựng nông thôn mới
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành động lực then chốt thúc đẩy sự thay đổi toàn diện tại khu vực nông thôn. Với tinh thần “Chung sức XDNTM”, chương trình không chỉ cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội mà còn nâng cao chất lượng sống, thu nhập và ý thức cộng đồng ở các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao bằng công nhận xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục và xã Vĩnh Trạch Đông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: M.Đ
Thay đổi diện mạo nông thôn
Một trong những điểm sáng rõ rệt nhất là sự hoàn thiện đồng bộ của hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn và các đầu mối giao thông cửa ngõ, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Hệ thống điện và nước sạch được cung cấp ổn định, tiết kiệm và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ngày càng được hiện đại hóa, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai... Những nỗ lực này đã giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng, tăng diện tích canh tác chủ động và cải thiện năng suất nông nghiệp.
Đã qua, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Điểm nhấn trong đó là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm địa phương, tạo động lực khởi nghiệp và chuyển đổi số ở nông thôn. Nhiều địa phương đã xây dựng các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP, khuyến khích doanh nghiệp và người dân mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống, hợp tác xã, du lịch cộng đồng và đào tạo nghề được chú trọng phát triển, làm nền tảng cho kinh tế nông thôn hiện đại và đa dạng.
Để XDNTM, Chương trình giảm nghèo được triển khai quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt là tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, chất lượng giáo dục, y tế và văn hóa nông thôn được nâng lên rõ rệt. Các chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập và ổn định đời sống. Cảnh quan nông thôn ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”, gắn kết chặt chẽ với bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều xã trong tỉnh đã bắt đầu triển khai các mô hình NTM thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hành chính công và kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền. Giữ vững an ninh, trật tự (ANTT) nông thôn là điều kiện tiên quyết để Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình tự quản về ANTT tại cơ sở như “Tổ tự quản dòng tộc”, “Câu lạc bộ Người hoàn lương”... đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần giữ gìn sự bình yên, ổn định trong cộng đồng.
Đoàn cán bộ Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh làm việc với xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai).
Đoàn khảo sát thực tế làng nghề truyền thống đan đát của xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long).
Mục tiêu phấn đấu bền vững đến năm 2030
Đến nay, toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn NTM; 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh có huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Hiện huyện Phước Long được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao…
Kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục đặt ra những mục tiêu cụ thể, thực chất và phù hợp với điều kiện thực tiễn trong giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, tiếp tục duy trì, nâng chất các xã đã đạt chuẩn, đảm bảo phù hợp với tiêu chí giai đoạn mới. Phấn đấu ít nhất 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 30% so với giai đoạn trước). Có ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 12% so với giai đoạn 2021 - 2025)...
Trong hơn 4 năm qua, thực tiễn cho thấy nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị là nơi đó người dân tích cực hưởng ứng; nơi nào cán bộ xã tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, nơi đó phong trào XDNTM sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững. Việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các tiêu chí dễ làm, ít vốn nhưng tạo hiệu quả lan tỏa. Đồng thời, tăng cường giữ gìn ANTT xã hội nông thôn.
Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM không chỉ là chương trình kinh tế - xã hội, mà còn là phong trào cách mạng sâu rộng của toàn dân. Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân.
Minh Đạt
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh - Phạm Văn Thiều:
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình XDNTM đã đáp ứng nhu cầu của người dân, được Nhân dân nhiệt tình ủng hộ như hiến đất làm giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa…, tham gia cùng chính quyền thực hiện các tiêu chí NTM. Ngoài ra, còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Kế thừa thành quả XDNTM, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng đô thị hóa. Tập trung phát triển các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển bền vững, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Xây dựng các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từng bước trở thành “vùng quê đáng sống”.
Mục tiêu cuối cùng của phong trào XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nâng cao đời sống người dân ở nông thôn. Song cần nhìn nhận rằng, việc nâng cao đời sống người dân ở nông thôn vẫn còn hạn chế. Các địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu chưa có xã nào đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về kinh tế hoặc xã NTM kiểu mẫu toàn diện. Một số xã sau khi công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì phong trào trầm lắng… Các địa phương phải rút kinh nghiệm, có như thế thì phong trào XDNTM mới thật sự là có điểm đầu - không có điểm kết thúc...
- Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 21/5: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp các dự thảo Luật
- Tọa đàm Báo chí Cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
- Họp báo, bốc thăm thi đấu Giải bóng chuyền hơi nữ mở rộng năm 2025
- Xúc tiến thương mại: Cầu nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương
- Cần xử lý nghiêm tin đồn thất thiệt về trứng gà giả