Vở cải lương Nối nghiệp - Tiếng lòng của các nghệ sĩ

Thứ Hai, 19/09/2016 | 16:20

Trải qua bao thăng trầm, cải lương vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt. Cải lương không còn là “nghề” mà đã trở thành “nghiệp” đối với những người đã chọn. Tình yêu nghề ấy đã và đang được lưu truyền bằng sự nối nghiệp, giúp cải lương mãi trường tồn theo năm tháng.

“Nối nghiệp” từ trên sân khấu… 
Vở cải lương “Nối nghiệp” của soạn giả Ngô Quốc Khánh chuyển tải gần như trọn vẹn tâm tư, tình cảm của các diễn viên, nghệ sĩ đối với nghiệp đờn ca hát xướng của mình. Xuất thân là diễn viên, chứng kiến biết bao thăng trầm của nghiệp hát cải lương, nên soạn giả Quốc Khánh viết kịch bản này như lời chia sẻ tiếng lòng của những diễn viên, nghệ sĩ với mọi người, với cuộc đời. 
“Nối nghiệp” được Ngô Quốc Khánh sáng tác năm 2003, nhưng giá trị, ý nghĩa của nó vẫn vẹn nguyên cho đến hôm nay, thậm chí là mai sau. Kịch bản cải lương này ra đời khi anh chứng kiến các diễn viên, nghệ sĩ lần lượt rời bỏ sân khấu để theo nghề khác kiếm sống. “Tôi viết vở “Nối nghiệp” nhằm nhắc nhở lớp trẻ cho dù bất kỳ lý do gì cũng đừng đánh mất cái nghề mà mình đã chọn và đeo đuổi. Đây là “đứa con tinh thần” mà tôi nhìn thấy cái được và cái chưa được ở diễn viên, nghệ sĩ và hy vọng một tương lai tốt đẹp cho nhiều lớp diễn viên, nghệ sĩ sau này”, Ngô Quốc Khánh chia sẻ. 
Vở “Nối nghiệp” kể về chuyện nghề của các diễn viên, nghệ sĩ trong một đoàn cải lương. Câu chuyện phản ánh thực trạng chung của các đoàn cải lương và những khó khăn trong nghề mà các diễn viên, nghệ sĩ đều gặp phải. “Đời không như mơ” và cuộc sống lắm thị phi cũng bởi họ phải gánh tiếng “xướng ca vô loài”, nên nhiều nghệ sĩ đi trước không muốn con cháu họ phải vương “kiếp tằm nhà tơ” giống mình. Chính vì thế, trong khi người cha thì ủng hộ con gái mình theo nghiệp cải lương, thì người mẹ lại phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, bằng tình yêu sâu sắc với nghề ca diễn, người con gái cũng đã nối nghiệp cải lương của mẹ cha. Trích đoạn cải lương “Nối nghiệp” trình diễn tại lễ giỗ Tổ sân khấu do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức đã chiếm trọn tình cảm của khán giả. Thông điệp mà vở cải lương chuyển tải đến người mộ điệu nằm gọn trong tên của vở diễn: Nối nghiệp!

Một cảnh trong trích đoạn “Nối nghiệp” của soạn giả Ngô Quốc Khánh. 
Ảnh: N.V

… Đến cuộc đời!
Tình yêu đối với nghệ thuật sân khấu cải lương của những diễn viên, nghệ sĩ không chỉ được thể hiện khi họ đứng trên sân khấu dành tặng lời ca tiếng hát cho đời, mà sau khi bức màn nhung khép lại, tình yêu ấy còn được thể hiện qua sự trao truyền nghề cho lớp đàn em, con cháu. Sự truyền nghề để nối nghiệp đã và đang diễn ra như một cách giữ cho sức sống của cải lương mãi bền bỉ theo thời gian. 
Gia đình NSƯT Khưu Minh Chiến là một điển hình. Cũng bởi suy nghĩ sợ con gái khổ với nghiệp ca diễn mình đang mang, mà nghệ sĩ Khưu Minh Chiến không ủng hộ Khưu Hoài Thương theo nghề hát cải lương. Tuy nhiên, “máu nghệ sĩ” của Hoài Thương đã được truyền tự nhiên từ cha, nên cô vẫn âm thầm nối nghiệp ông. Bằng niềm đam mê và nỗ lực, Hoài Thương đã từng bước chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh trên sân khấu, bằng chứng là rất nhiều giải thưởng của cá nhân và sự đóng góp của cô vào thành tích chung của tập thể tại những liên hoan đờn ca tài tử, những cuộc thi vọng cổ… NSƯT Khưu Minh Chiến tâm sự: “Tôi cảm thấy tiếc vì không chăm bồi tài năng cho con gái sớm hơn chút nữa. Cứ áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình mà làm cho sự nghiệp của con không được phát triển đúng như tài năng. Nhưng cuối cùng con gái tôi cũng theo được nghiệp cải lương, tôi cảm thấy rất vui”.
Ngoài Hoài Thương, trong làng cải lương còn khá nhiều người con nối nghiệp mẹ cha, chẳng hạn như gia đình của nghệ sĩ Ngọc Đợi có cha, chú và hai anh trai cũng hát cải lương; gia đình Minh Luận (TX. Giá Rai) có đến 4 - 5 đời theo nghiệp đờn ca và hiện nay diễn viên Hồng Quyên đã nối nghiệp, thành danh. Nhắc đến sự truyền nghề, không thể không nhắc đến sự nối nghiệp đầy ngoạn mục của một nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Bảo Quốc. Thân sinh của ông chính là người đầu tiên chế tác ra bản vọng cổ nhịp 8 là nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa. Và không ngạc nhiên khi con trai của nghệ sĩ Bảo Quốc là nghệ sĩ Gia Bảo cũng đang nối nghiệp cha mình… 
Những trường hợp nối nghiệp kể trên thêm một lần nữa khẳng định: cải lương sẽ mãi trường tồn theo năm tháng bằng tình yêu mãnh liệt với nghề! 
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.