Văn hóa - Nghệ thuật
Trường cũ - Tình xưa
Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, chúng tôi quen gọi tắt là Trường Chuyên, hiện tại quá khang trang, hiện đại. Một ngôi trường được đầu tư quy mô, toàn diện để đào tạo đội ngũ học sinh chất lượng cao của tỉnh. Ngôi trường đã được ổn định vị trí sau bao nhiêu năm “vật đổi sao dời” và… dời liên tục.
Chuyến thăm khu di tích Nọc Nạng của học sinh khóa 4 Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, năm 1996 (ảnh chụp trước nhà bà Út Liễu, nhân chứng cuối cùng của gia đình ông Mười Chức).
Trường dời liên tục cho nên đối với một thế hệ học sinh Trường Chuyên… cũ, trường mới khang trang nhưng không để lại kỷ niệm nào để có một ngày được như câu hát “hôm nay tôi trở về thăm trường cũ…”. Không còn mái trường cũ với lớp học, chỗ ngồi thân quen, thế nhưng đối với thế hệ học trò cách đây hơn 20 năm, trong đó dĩ nhiên có tôi, lại có những ký ức ngọt ngào, đầy ắp kỷ niệm để trong những khoảnh khắc nào đó được ôn lại, nhớ về một thời học trò đáng nhớ.
Tôi là thế hệ học trò khóa 4 của Trường Chuyên. Những khóa học đầu tiên ở trường được tuyển chọn từ nguồn học sinh giỏi của các trường học phổ thông đại trà trong tỉnh chứ chưa có hình thức thi cử khá căng thẳng như hiện nay. Và hình như thời ấy, cũng chưa nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình học Trường Chuyên là… oai, là thành tích đáng nể như cách nghĩ phổ biến của nhiều phụ huynh lẫn học sinh bây giờ. Cho nên trong tâm thức của phần đông học sinh chúng tôi thời ấy, việc chuyển từ trường cũ sang Trường Chuyên chẳng qua chỉ là được học ở một ngôi trường mới. Thậm chí bản thân tôi còn thấy luyến tiếc khi bị tách khỏi những đứa bạn thân học chung từ năm lớp 6, lớp 7 ở Trường THCS Trần Huỳnh (tôi được tuyển vào Trường Chuyên năm lớp 8, năm học 1992 - 1993).
… Năm tôi chân ướt chân ráo vào Trường Chuyên, trường nằm ở vị trí của Trường mẫu giáo Hoa Mai bây giờ. Trước đó, trường nằm ở địa điểm của Trường mẫu giáo Sơn Ca (giờ cũng đã bị xóa sổ, gần quán mì Mỹ Dung, góc chợ Phường 3 hiện tại). Rồi sau đó, trường tiếp tục “dọn” sang vị trí mới, là trụ sở Tỉnh đội hiện nay. Cứ ngỡ đã “yên thân”, nhưng chỉ hơn… 1 năm sau, trường lại dời về Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm hiện tại (trên đường Trần Huỳnh). Và đó chính là ngôi trường cũ đúng nghĩa của tôi và nhiều bạn học cùng trang lứa thời ấy. Năm học 1997 - 1998, chúng tôi có một lễ tốt nghiệp ra trường đẫm nước mắt mà giờ đã hơn 20 năm, nhắc lại thì thầy cô, bè bạn nào cũng nhớ…
Làm sao mà không nhớ thời học trò đầy kỷ niệm, nhất là được học với những thầy cô tận tâm dạy, những đứa bạn chăm chỉ học và còn những giờ học ngoại khóa tuyệt vời! Thầy Huỳnh Quang Lâm, giáo viên dạy Sử dẫn lớp tôi thăm khu di tích Nọc Nạng. Chúng tôi được gặp gỡ nhân chứng lịch sử là bà Út Liễu (giờ đã qua đời), nghe kể tận tai về câu chuyện vụ án đồng Nọc Nạng của gia đình bà. Tự hào về vùng đất và con người ở xứ sở mình, chúng tôi càng tiến bước trong học hành để mong góp một chút công sức cho quê hương. Chúng tôi học Sử bằng những chuyến đi kiểu như thế! Thầy còn dẫn chúng tôi đi nhiều nơi khác nữa. Nhớ nhất là chuyến thăm Làng trẻ S.O.S ở tỉnh Cà Mau. Chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng chúng tôi đã biết cảm thương cho số phận những đứa bé ấy. Tôi vẫn giữ bức hình chụp chung với một cô bé chừng 4 tuổi, bé có đôi mắt buồn đến giờ còn ám ảnh tâm trí tôi. Những phần bánh kẹo gửi các em, là thầy dạy chúng tôi biết san sẻ yêu thương. Trên đường về, thầy lại kể về những người làm cha mẹ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” để rồi sinh con xong bỏ rơi chúng bơ vơ như thế. Chúng tôi hiểu sâu xa hơn sau bài học san sẻ, đó là cách giáo dục học trò kỹ năng sống ở lứa tuổi mới lớn… Những chuyến đi giúp chúng tôi hiểu câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Thầy Thái Đình Hướng và cô Tạ Tố Nga (giáo viên dạy Văn) thì tổ chức những giờ ngoại khóa bằng các chương trình ca múa nhạc, hoạt cảnh sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Chúng tôi được thẩm thấu văn chương bằng cách đó. Nghĩa là các thầy cô ngoài việc giảng dạy trên giờ học chính khóa còn muốn tạo cho chúng tôi những sân chơi mang ý nghĩa “chơi mà học, học mà chơi”. Thời ấy, tôi “trong vai” học sinh nhút nhát nên bao giờ cũng lót tót ngồi ở hàng ghế khán giả để nhìn các bạn vào vai, múa hát trên sân khấu. Ngồi xem mà mê đắm với những bài múa hát “Trống Cơm”, hoạt cảnh “Thị Mầu đi chùa”, các trích đoạn trong tác phẩm “Tắt đèn”, “Chí Phèo”… qua tay đạo diễn không chuyên là các thầy, cô và tài năng “đột xuất” của bạn bè thời đó. Thời ấy, đến lớp học đứa nào cũng mặt mộc nên khi có dịp phấn son trên sân khấu, bạn nào cũng xinh tươi duyên dáng hẳn ra. Nói đến đây lại nhớ có lần, trường phối hợp với các trường tổ chức cuộc thi học sinh thanh lịch, ở cuộc thi đó, bạn Vân Thường (bạn học cùng lớp với tôi) đã vinh dự đoạt giải Nhì. Đâu ngờ nhỏ ngày thường rất bình thường như tên của nó, mà lên sân khấu hội thi thanh lịch lại… đạt tầm cỡ đó!
… Chúng tôi đã có một buổi lễ ra trường đẫm nước mắt như trên đã nói bởi những ký ức ngọt ngào như vậy, tất nhiên dung lượng bài viết không cho phép… nhớ nhiều hơn. Thử hỏi làm sao không nhớ về thời ấy với trường lớp, thầy cô, bè bạn của mình; chứ đâu chỉ nhớ riêng tư như ca khúc “Bồ câu không đưa thư” đã hát: “chia tay một thời áo trắng, bâng khuâng buồn đến bao giờ, chia tay làm sao không nhớ trong tim một bóng hình ai”. Mà biết đâu, có những cô bé, cậu bé học trò chăm chỉ ngày ấy cũng đã bắt đầu biết rung động, có một “bóng hình ai” rất mơ hồ như thứ tình cảm không dễ đặt tên. Trường cũ không còn cũng giống như tình xưa lãng đãng, giờ chỉ còn trong một miền ký ức để nhớ về…
Cẩm Thúy
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013