Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Thứ Tư, 07/05/2025 | 16:38

Bắt đầu từ ngày 6/5/2025, việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã chính thức được triển khai trên toàn quốc và kéo dài trong 30 ngày. Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau xác định đây là một trong những nhiệm vụ 2 tỉnh cùng thực hiện song song.

Tất cả đại biểu Quốc hội khóa XV có mặt tại phiên họp chiều 5/5 đã biểu quyết tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: quochoi.vn

Lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

YÊU CẦU CẤP THIẾT TỪ THỰC TIỄN

Hiến pháp năm 2013 là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ triển khai, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và chuyển đổi số đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp. Như các đại biểu Quốc hội đã nhận định, Hiến pháp 2013 đang bộc lộ một số giới hạn, “khoảng trống”, nhất là trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính và đổi mới mô hình quản trị hiện đại.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này được xem là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế, đặt nền móng pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Động thái này cũng nhằm thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

NỘI DUNG TRỌNG TÂM SỬA ĐỔI

Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng tại hội trường Quốc hội vào chiều 5/5 và nhận được sự tán thành của 100% đại biểu Quốc hội có mặt, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phạm vi sửa đổi lần này tập trung vào các nội dung trọng yếu, giải quyết những “nút thắt” thể chế quan trọng. Củng cố vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, không chỉ là cầu nối mà còn là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất và phản biện chính sách hiệu quả. Tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự kiến theo hướng 2 cấp (thay vì 3 cấp như hiện nay) để tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn. Đồng thời, tạo cơ sở hiến định rõ ràng cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã - một vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ. Mục tiêu của việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh là xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, tái định hình tư duy quản trị quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

PHƯƠNG THỨC LẤY Ý KIẾN MỚI QUA VNEID

Điểm nổi bật và mang tính đột phá trong đợt lấy ý kiến lần này là việc áp dụng công nghệ thông tin thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID. Phương thức này được kỳ vọng sẽ giúp thu thập ý kiến của đông đảo người dân một cách nhanh chóng, đầy đủ, thuận tiện, đảm bảo tiến độ khẩn trương của quá trình sửa đổi.

Ngay trong ngày 5/5, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã ký ban hành Kế hoạch 05 tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc làm này nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã có kế hoạch tương tự để triển khai cụ thể, đảm bảo việc lấy ý kiến diễn ra dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch. Cơ chế lấy ý kiến cũng nhấn mạnh sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng với Nhân dân.

Sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, các địa phương sẽ có khoảng 1,5 tháng để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cấp xã. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là một nhiệm vụ hệ trọng. Sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh góp ý, đặc biệt là qua ứng dụng VNeID, sẽ góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tiến trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được thực hiện với lộ trình chặt chẽ và khẩn trương

- Ngày 6/5 - 5/6/2025: Lấy ý kiến Nhân dân (30 ngày).

- Trước ngày 30/6/2025: Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tổng hợp, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi để Quốc hội xem xét, thông qua.

- Ngày 1/7/2025: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 dự kiến có hiệu lực thi hành.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.