Văn hóa - Nghệ thuật
Tơ lòng còn vương…
“Má đã nói con không được giống má rồi mà”, Hằng gắt lên rồi giật phăng cây đờn kìm trên tay bé Linh trong sự ngỡ ngàng của nó. “Tại sao vậy má?”. Hằng im bặt, không có câu giải thích. Cũng giống như những lần nó thủ thỉ “Má ơi, chừng nào con mới được gặp ba?”. Đó là những câu hỏi, Hằng không bao giờ trả lời được với con gái mình…
… Mười năm trước, Hằng từ bỏ danh phận để làm một người mẹ đơn thân. Nuốt nước mắt để nghe ba má la rầy, “mình là gia đình gia giáo mấy đời mà con lại làm chuyện như vầy, hả con?”; thì Hằng còn ngại gì lời ra tiếng vào, sự gièm pha của thiên hạ. Hằng tâm sự với bè bạn và những người mê tiếng đờn kìm của cô, khi nào tiếng đờn mình còn được mọi người yêu thích, thì mình sẽ còn bám nghiệp. Bấy nhiêu thôi, không cần địa vị, danh phận gì, dù trước đó với tài năng của mình, Hằng đã được đoàn hát của cô quy hoạch đề bạt một vị trí mới tương xứng với tài năng.
“Sao không tìm một tấm chồng đàng hoàng rồi sanh con đẻ cái như người ta đi con”, câu nói như nài nỉ của má là tâm trạng của một người mẹ lo cho con mình. Nhưng má sẽ không bao giờ hiểu khi mà một người khát khao được làm mẹ, sau những trắc trở nợ duyên, thì họ chẳng cần cái gọi là tấm chồng đàng hoàng để mà được mọi người công nhận danh chính ngôn thuận. Mà má ơi, biết làm sao mới gọi là tấm chồng đàng hoàng hả má?
Hằng đã trải qua vài ba mối tình nhưng không có cái nào kết thúc tốt đẹp. Cái câu “xướng ca vô loại” cổ hủ quá chừng, vậy nhưng những mối tình của Hằng cũng chỉ bởi câu nói ấy mà dang dở. Hằng không phải là cô đào có sắc vóc mặn mà, cô không vào những vai diễn bắt buộc phải ẻo lả, cặp bồ rồi bá vai, kề má nay với kép này mai cùng kép nọ, cô chỉ thạo mỗi ngón đờn kìm. Cô thậm chí còn không xuất hiện trên sân khấu, chỉ ôm chiếc đờn ngồi phía hậu trường hoặc núp dưới khán đài nắn phím so dây suốt một vở tuồng. Vậy mà câu “xướng ca vô loại” vẫn không buông tha cho Hằng.
“Nhà tui nói nếu tui muốn cưới Hằng thì nói với Hằng phải bỏ đoàn hát, bỏ nghề”, đó là câu nói chấm dứt mối tình đầu tiên của Hằng. Dù trước đó, người nói câu nói ấy vì tiếng đờn kìm mà yêu người nắn phím so dây. Hằng không tạo áp lực cho người mình yêu (một cuộc trốn chạy gia đình, bỏ mặt những rào cản để xây hạnh phúc riêng tư chẳng hạn), nhưng Hằng cũng không thể từ bỏ tiếng đờn kìm đã hóa thành máu thịt trong cô. Thế là, đường ai nấy bước.
Đoàn hát của một tỉnh lẻ, dù không quá tiếng tăm nhưng cũng nay đây mai đó chìm nổi lắm phen. Tiếng đờn kìm của cô cũng nổi trôi cùng gánh hát. Có thêm vài ba người muốn tiến tới với Hằng nhưng vẫn không thể nào có một đám cưới hẳn hoi. Hồi tỉnh tổ chức một liên hoan lớn về nghệ thuật đờn ca tài tử, Hằng được vinh dự góp tiếng đờn kìm điêu luyện của mình cùng với hàng trăm tài tử nghệ nhân khắp Nam bộ này. Nhà nước còn phong tặng nghệ nhân ưu tú cho những tài năng như Hằng, vậy mà vẫn có người giữ khư khư cái quan niệm xướng ca vô loại?!
Rồi Hằng có một khát khao như phần đông những người phụ nữ trên thế gian này. Trong một vở tuồng, đâu phải cảnh nào cũng có đờn, thế là những phút ngồi thả lỏng dây đờn, Hằng cũng trở thành một khán giả. Cô chăm chú vào mỗi vai diễn của đồng nghiệp. Theo đoàn đã lâu vậy mà Hằng vẫn còn… mít ướt mỗi khi thấy trên sân khấu diễn cảnh mẹ con chia lìa. Cô thường khóc cảnh Tô Ánh Nguyệt ẵm con giao cho vợ chồng anh Minh nuôi, khóc rồi nghĩ thầm trong bụng, nếu là mình thì không bao giờ mình chịu xa rời con dù bất cứ hoàn cảnh nào. Rồi không biết tự khi nào, khi lửa tình yêu trai gái dần nguội lạnh cũng là lúc Hằng khát khao được ẵm bồng một đứa trẻ mà cô sẽ trìu mến gọi “con ơi, con à” những khi buông cây đờn kìm xuống…
Đã ở cái ngưỡng tứ tuần rồi, bây giờ không có con thì đợi đến tuổi nào nữa. Và Hằng đã có một quyết định cho bản thân mình. Giữa cái xã hội mỗi ngày trên báo có không ít cái tin câu khách thông tin “ông ăn chả, bà ăn nem”, khi ngoại tình hoành hành đến mức phải có luật pháp can thiệp, những cuộc tình nằm ở diện “kiếm thêm” chứ không đạp đổ… thì, cái tin Hằng đi thụ tinh nhân tạo để được làm mẹ chả ai tin nổi. Hằng phải mất vài chuyến đi cho quyết định của cô, còn người trong thiên hạ thì cứ lời ra tiếng vào, hả hê chờ ngày đứa nhỏ ra đời xem nó giống ai… Hơn 4 tháng sau, Hằng mất cái eo thon thả, chiếc áo có cọng dây thắt choàng ngang tấm lưng thon đã độn lên chiếc bụng căng tròn phía trước. Siêu âm biết con là con gái, Hằng đỏ hoe đôi mắt. Khóc vì mừng nhưng cũng vì lo, phận làm con gái, biết ra sao mai này… Đêm về, Hằng thủ thỉ với con “mẹ sẽ là điểm tựa suốt đời cho con, con gái của mẹ”… Chiếc gối độc nhất trên giường Hằng ướt mặn…
… Linh nhìn chiếc đờn nằm chỏng chơ trên tấm ván ngựa rồi quay lưng vô buồng nằm buồn so. Tự dưng Hằng thấy có lỗi với con vô cùng. Hằng ngồi bần thần nhớ cái thời cô bắt đầu biết yêu tiếng đờn kìm. Chú Bảy đờn kìm, tên thật là Minh, ông chơi đờn kìm riết rồi người ta đặt cho ông cái nghệ danh đó. Không biết có phải do… di truyền mà Hằng mê đờn kìm còn trước khi biết đọc biết viết, tiếng đờn nhặt khoan của ba những buổi giao đờn với chú Bảy đờn tranh, chú Năm đờn cò trong ấp đã ăn sâu vào tiềm thức của cô bé. Học lóm từ ba thôi, thế mà hơn mười tuổi đầu, Hằng đã biết đờn, cô ôm cây đờn mà cái cần đờn còn cao hơn đầu mình, rồi lớn lên một chút cô năn nỉ ba cho ghi tên dự thi những cuộc thi về đờn ca tài tử. Đoàn hát của tỉnh cũng tuyển chọn cô từ những cuộc thi ấy…
Một buổi chiều, Hằng ôm cây đờn kìm ra mái hiên rồi biểu con gái lại, cô đờn cho con nghe trọn một bản Nam ai. Buồn não nuột mà con bé gật gù mê đắm. Hằng nhìn thấy mình của mấy chục năm trước từ đứa con gái bé bỏng. Tiếng nhạc như tiếng tơ lòng, nó vấn vương, nối niềm đam mê từ thế hệ này đến thế hệ sau. Đâu có lý gì để bắt con gái không được chơi đờn kìm để tự làm khó mình tìm câu giải thích cho con. Những câu hỏi của Linh dành cho Hằng trong ngôi nhà chỉ hai mẹ con, vốn dĩ đã quá nhiều.
Và có những thắc mắc, Hằng đã từ tốn trả lời với con gái rằng, đợi con đủ lớn, mẹ mới có thể lý giải ngọn ngành…
Phan Anh
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh
- Mái hiên Zettex chất lượng