Văn hóa - Nghệ thuật
Tiến trình đề cử Dù kê trở thành di sản văn hóa phi vât thể của nhân loại: Còn nhiều trở ngại!
Cuối năm 2013, tại tỉnh Trà Vinh, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ - di sản văn hóa dân tộc”. Với trên 70 tham luận là những “bằng chứng khoa học thuyết phục” nhìn nhận đúng bản chất, giá trị của loại hình nghệ thuật này, có thể được xem là bước đệm để tiến tới việc đệ trình UNESCO sớm công nhận thêm cho Việt Nam một di sản văn hóa phi vật thể tầm cỡ quốc tế! Thế nhưng, đến nay, tiến trình đề cử này vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Nghệ thuật Dù kê đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận giai đoạn 2012 - 2016. Một hội thảo khoa học với những tham luận đa chiều và khá toàn diện về con đường hình thành, bám rễ trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ đã hoàn toàn khẳng định giá trị đích thực và giá trị về mặt “pháp lý” để Dù kê có thể rộng đường tiến vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cùng với các loại hình di sản khác như Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử, Ví dặm… của mọi miền đất nước, làm phong phú thêm vốn văn hóa chung của Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, với những thực trạng và khó khăn hiện hữu, việc tiến cử Dù kê vẫn còn khá nhiều trở ngại. Những giá trị vô giá của lịch sử để lại là có thật, nhưng những khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị loại hình này trong hiện tại và tương lai khi đã được công nhận (một tiêu chí quan trọng trong hồ sơ đề cử) thì cũng… có thật và đang làm “đau đầu” giới chuyên môn!
Một cảnh trong vở Dù kê do Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu dàn dựng và biểu diễn. Ảnh: H.T
Thạc sĩ Võ Thành Hùng (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) nhận định: “Nghệ thuật Dù kê đang phải đối mặt với 2 khó khăn rất lớn, đó là nguồn nhân lực trẻ và kịch bản. Ngày càng ít thanh niên chịu học Dù kê nên tuyển được người diễn Dù kê là rất khó. Mà học biểu diễn Dù kê lại không dễ, vì người đó phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ văn học - nghệ thuật và diễn xuất… Về kịch bản thì đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu Dù kê không nhiều, do đó các đội Dù kê thường diễn đi diễn lại những vở diễn đã định hình, những vở mang tính lịch sử, thiếu hẳn những vở hiện đại, mới mẻ. Dù kê là loại hình tổng hợp, nên đòi hỏi trình độ của người sáng tác kịch bản phải am hiểu nghệ thuật biểu diễn, có vốn sống, thực tiễn cao. Thế nhưng, công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật này chủ yếu dựa vào việc truyền nghề tại các đoàn nên chậm và không theo sát được tốc độ phát triển của nhịp sống đương đại”.
Một loại hình nghệ thuật độc đáo, tích hợp nhiều giá trị văn hóa - lịch sử lại mang tính nhân văn, giáo dục cao thông qua những vở tuồng đề cao, bảo vệ cái thiện, lên án, diệt trừ cái ác. Sức sống mãnh liệt của Dù kê trong lòng người Khmer Nam bộ thể hiện rất rõ ở những buổi biểu diễn nhân dịp lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, thế nhưng vấn đề “giữ lửa” cho nghệ thuật này về phía những nhân vật chủ thể thì còn nhiều băn khoăn, điều đó là trở ngại lớn nhất trong tiến trình đề cử Dù kê để nghệ thuật này tỏa sáng ở tầm quốc tế!
Những đề xuất, giải pháp đã được phân tích mổ xẻ khá thấu đáo trên các diễn đàn báo chí, trong một hội thảo chuyên biệt dành riêng cho Dù kê. Nhưng muốn mở rộng đường cho Dù kê đi vào kho tàng di sản văn hóa của nhân loại thì những ý kiến, phân tích ấy phải khả thi và thực thi! Vai trò đầu tàu chỉ đạo là Bộ VH-TT&DL, kế đến là sự vào cuộc của từng địa phương nơi Dù kê đã, đang và sẽ còn là món ăn tinh thần quý báu đối với người dân bản địa. Không khó để thực thi những giải pháp sau đây, nếu có sự đồng tâm và lòng tâm huyết: các trường VH-NT nên quan tâm đưa nội dung VH-NT dân tộc Khmer vào chương trình giảng dạy của nhà trường nhằm giúp học sinh - sinh viên, đặc biệt là học sinh - sinh viên dân tộc Khmer hiểu và trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật sân khấu Dù kê quần chúng, tất nhiên sẽ khó hơn việc hình thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhưng nếu quyết tâm sẽ gầy dựng được! Và việc làm quan trọng hàng đầu phải thực hiện ngay là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chăm lo các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương, khuyến khích họ gìn giữ và phát huy nghệ thuật Dù kê, bởi họ chính là những người “cầm lái” phong trào…
Cẩm Thúy
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh
- Mua nệm giá rẻ