Văn hóa - Nghệ thuật
THƯƠNG LẮM ĐỜN CÒ
Tôi thích nhất là về quê lúc trăng sáng, ánh trăng thôn dã bao giờ cũng gợi trong tôi cảm giác bình yên, tĩnh lặng, nó nói lên biết bao điều khó tả bằng lời. Ngắm trăng giữa không gian yên ả, gió thổi hiu hiu làm cho bao nỗi lo toan, nhọc nhằn bởi những ngày tháng mưu sinh nơi thành thị dần như tan biến.
Đêm nay trăng sáng trời trong, tôi lại được quây quần với người thân bên chung trà, dĩa bánh, tôi như trở về với tuổi thơ êm đềm, chơi trốn tìm quanh cây rơm, bụi chuối… với những đêm trăng sáng.
Thuở ấy quê tôi còn cách trở lắm, đường đi lại khó khăn nên đời sống văn hóa tinh thần rất hạn chế. Mỗi lần được ba cho đi theo mấy chú, bác đờn ca, tôi mừng vô kể, tôi nhớ hoài tiếng đờn cò của ông Sáu nghe da diết, buồn miên man. Lớn lên tôi đi học ngoài chợ lâu lâu mới về, được nghe lại tiếng đờn cò của ông Sáu, tôi thích thú vô cùng. Lần đó tôi về nhà mấy ngày mà không thấy ông Sáu tới chơi, tôi hỏi ba, ba nói: “Ông Sáu mất rồi con!”. Tôi bàng hoàng vì quá bất ngờ và nghe như mình mất mát điều gì to lớn lắm. Tôi hỏi ba vì sao ông mất, ba tôi từ từ kể lại:
… Ông Sáu có thương cô gái trong xóm, cô đẹp người đẹp nết lắm, nhưng ba mẹ cô chê ông Sáu nghèo nên gả cho người khác. Đêm nhóm họ, cô dâu lén ra vườn treo cổ tự tử, đám cưới trở thành đám tang làm biết bao người xót xa vì sự ra đi của cô gái ấy. Ông Sáu đau khổ vô cùng, mượn tiếng đờn để nói lên cõi lòng bi ai của mình. Ngày lại ngày qua, ông không chịu được nỗi đau này nên mấy tháng sau ông đến mồ cô gái và quyên sinh tại đó.
Chuyện buồn đã xảy ra lâu lắm rồi, mỗi khi nhớ lại ruột gan tôi như quặn thắt, thương ông Sáu tài hoa mà bạc mệnh, thương người con gái thủy chung không có được hạnh phúc trong đời. Nỗi buồn thương đó đã theo tôi thật lâu, rồi cuộc sống với bao bộn bề nên chuyện xưa cũng phai dần, cho đến một đêm trăng sáng, văng vẳng tiếng đờn cò từ xa vọng lại, tôi nhớ về ông Sáu, nhớ ba tôi và mấy chú, bác trong xóm, hình ảnh trước sân trải hai hàng chiếu rồi đờn ca, hát hò đến khuya… biết bao giờ tôi được nhìn lại những người thân yêu ấy nữa!
Bây giờ chỉ cần vài cái “click chuột”, muốn nghe nhạc gì cũng có, nhưng sao không còn hấp dẫn, lôi cuốn như ngày xưa, chỉ có nhạc cụ thô sơ và những “nghệ nhân” chân đất vậy mà bay bổng, ngọt ngào vô cùng, những buổi hòa đờn như thế đã kết chặt tình làng nghĩa xóm, mang lại màu sắc tươi vui nơi làng quê hẻo lánh, mặc cho bom đạn, đói nghèo vẫn diễn ra.
Đêm rằm, trăng tròn vành vạnh nhưng tôi không còn thấy nó lung linh, bàng bạc ánh vàng đổ xuống ngọn tre, tàu dừa như trước bởi ánh điện sáng phản chiếu một vùng rộng lớn, tiếng nhạc xập xình từ những dàn âm thanh công suất lớn ở các quán giải khát ngoài xóm. Dù có khác xưa nhưng nó vẫn là ánh trăng ngày cũ, thuở tiếng đờn ông Sáu còn dìu dặt, bổng trầm, thuở người ta xem lời nguyện ước như đá vàng vĩnh cửu.
LÊ NGỌC
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh
- Địa Chỉ Chụp Ảnh Cưới Studio Hot Hit