Văn hóa - Nghệ thuật
Thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” và triển khai thực hiện thí điểm trong hai năm 2018 - 2019 tại 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, TP. HCM, Đắk Lắk, Thái Bình, Phú Yên, An Giang… Mặc dù không phải là tỉnh được chọn thực hiện thí điểm, nhưng bộ tiêu chí này cũng sẽ giúp Bạc Liêu nhìn lại công tác gia đình để củng cố và giữ vững kết quả đạt được trong thời gian qua.
Tại cuộc họp gần đây, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã đề cập tới mục đích quan trọng của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn giúp củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Từ đó nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Đại gia đình hạnh phúc. Ảnh: H.T
Thật vậy, yếu tố hạnh phúc gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi mỗi “tế bào” của xã hội “khỏe mạnh” thì sẽ góp phần rất lớn trong việc xây dựng xã hội phồn thịnh. Ông Châu Văn Mỹ, Chánh án TAND TP. Bạc Liêu, cho biết: “Số vụ ly hôn tại địa bàn thành phố năm 2017 cao hơn năm trước và độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tính từ đầu tháng 10/2016 đến cuối tháng 9/2017, TP. Bạc Liêu thụ lý gần 490 vụ ly hôn, cao hơn năm trước gần 60 vụ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình”. Như vậy, việc thí điểm tại các địa phương nói trên, qua đó nhân rộng ra toàn quốc để công tác gia đình ngày càng nâng chất, là động thái được xem là kịp thời.
Theo đó, nội dung thí điểm được quy định rất rõ dựa trên 4 tiêu chí. Đó là ứng xử vợ chồng cần chung thủy, nghĩa tình: có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; cùng chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau. Thứ hai là ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu cần gương mẫu và yêu thương: ông bà, cha mẹ phải làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; quan tâm, chăm sóc con cháu khi chúng còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong. Thứ ba là ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà cần hiếu thảo và lễ phép: con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; thăm hỏi, chăm sóc, động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu. Và cuối cùng là ứng xử của anh, chị, em phải hòa thuận, chia sẻ: anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; anh, chị bao dung đối với em, em kính trọng anh, chị; cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Thực tế, trước khi Bộ VH-TT&DL ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, rất nhiều gia đình ở Bạc Liêu đã thực hiện khá tốt những tiêu chí này.
Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Dù không phải là tỉnh được chọn thực hiện thí điểm, nhưng Sở VH-TT&DL Bạc Liêu vẫn đang xây dựng kế hoạch để sắp tới triển khai thực hiện bộ tiêu chí này, nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong công tác gia đình”.
Ngọc Vũ
- Sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ các dự án Luật
- Bộ CHQS tỉnh: Trao quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp năm 2025
- Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở”
- Kiểm tra đột xuất việc chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả: Chưa phát hiện sữa bột giả