Văn hóa - Nghệ thuật
Phục dựng lại Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi: “Địa chỉ đỏ” cho phát triển du lịch địa phương
Nhằm bổ sung vào danh sách điểm du lịch cho địa phương, Huyện ủy Vĩnh Lợi đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến để hoàn thành các bước phục dựng lại Khu căn cứ Huyện ủy (ấp Trà Hất, xã Châu Thới). Khi hoàn thành, công trình này sẽ là một trong những điểm du lịch quan trọng của huyện.
Căn cứ của “Ý Đảng - lòng dân”
Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi (1971 - 1975) được xây dựng biệt lập trong khu vườn của người dân bỏ hoang đi lánh nạn nơi khác. Căn cứ gồm có các công trình nhà cửa làm bằng cây lá địa phương rất đơn sơ, hầm bí mật, hầm tránh pháo và hầm lu để cán bộ trú ẩn. Trước tình hình địch càn phá dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chỉ đạo cơ sở, Huyện ủy đã họp và đi đến thống nhất xây dựng một căn cứ biệt lập, vững chắc, không để lực lượng bị phân tán. Thế là ban ngày, các cán bộ ở nhà bà Ba Chuối (một người dân theo cách mạng) cùng nhân dân vót chông, ban đêm thì đào hầm. Khu căn cứ có trên 30 hầm bí mật, 3 căn nhà làm hội trường, văn phòng và nhà dành cho đội phòng thủ.
Đầu năm 1972, ta buộc địch phải rút 21 đồn trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Đến cuối năm 1974, quân dân Vĩnh Lợi đã đánh bứt rút 11 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giải phóng 9 ấp làm cho binh lính địch mất chỗ dựa và ngày càng hoang mang. 17 giờ ngày 16/4/1975, quân ta ở Vĩnh Lợi đã tiếp quản xong toàn bộ cơ sở vật chất và vũ khí của địch để lại.
Sau ngày 30/4/1975, nhân dân trở về xây dựng lại cuộc sống mới trên mảnh đất quê mình. Chính vì thế, các công trình nhà cửa, hầm bí mật của căn cứ, do tác động của thiên nhiên và con người nên dần dần không còn. Công trình “Ý Đảng - lòng dân” vì thế mà cần phục dựng lại nhằm phục vụ cho việc giáo dục thế hệ mai sau.
Phối cảnh Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi phục dựng lại. Ảnh: N.V
“Địa chỉ đỏ” để phát triển du lịch
“Hiện tại trong khuôn viên Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi chỉ có bia tưởng niệm. Huyện đang chuẩn bị thông qua bản thiết kế, chỉnh sửa một số hạng mục để bắt tay khởi công phục dựng”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Lợi - Nguyễn Văn Hiệp cho biết. Thời điểm này, công trình phục dựng đã được thông qua lần đầu, xin ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng nhằm phục dựng sát với hiện trạng của khu căn cứ xưa.
Theo đó, với tổng diện tích 1.270m2, Khu căn cứ Huyện ủy mới sẽ có nhiều hạng mục như: nhà đón khách, nhà tiền trạm, nhà ở đội phòng thủ, nhà Phó Bí thư, nhà Bí thư, nhà làm việc chung, hội trường, nhà bếp… xung quanh khu căn cứ sẽ trồng lau sậy, một số tiểu cảnh gần giống với quang cảnh năm xưa. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Lợi - Võ Văn Sáu cho biết thêm: “Tại hội thảo vào ngày 8/3/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cùng các cán bộ hoạt động cách mạng năm xưa thống nhất nhiều hạng mục, công trình phục dựng, đồng thời bàn bạc sao cho phục dựng khu căn cứ mới giống như lúc trước. Chẳng hạn như: nên lót nền bằng gạch thẻ; sau nhà Bí thư phải có hầm; nhà khách thì hình chữ nhật; xây thêm “bãi lửa”; trồng cây me, trâm bầu, chuối…”.
Việc Huyện ủy Vĩnh Lợi muốn bố trí thêm “bãi lửa” là nhằm mục đích tái hiện như chiến trường xưa. Để thế hệ trẻ đến khu căn cứ tham quan, học tập sẽ hình dung được ông cha ta ngày xưa đã đánh giặc như thế nào. Đồng thời, đây sẽ là chi tiết đắt giá để thu hút khách du lịch.
Như vậy, ngoài di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, Vĩnh Lợi sắp có thêm một di tích đặc sắc nữa. Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi khi được phục dựng xong không những giúp cho việc giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương đạt hiệu quả, mà còn giới thiệu đến du khách gần xa về vùng đất anh hùng đã góp phần làm nên đất Vĩnh Lợi hôm nay!
Ngọc Vũ
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh