Văn hóa - Nghệ thuật
Những “đóa hoa” trong “vườn hoa” nghệ thuật Bạc Liêu
Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật Bạc Liêu, có rất nhiều phụ nữ đang tích cực đóng góp và khẳng định tên tuổi của mình bằng tài năng, trí tuệ. Chính những “đóa hoa” ấy đã làm cho “vườn hoa” nghệ thuật Bạc Liêu tươi thắm hơn!
Có thể nói, Bạc Liêu là vùng đất của đờn ca tài tử và vọng cổ. Bất cứ ai “lỡ” chạm vào những loại hình nghệ thuật này cũng đều khó dứt ra được. Nữ tác giả Phương Tử Yến là một minh chứng sống động nhất. Từ một lần viết… chơi cho vui, tác phẩm “Vẫn mãi là em” của chị đã đoạt giải Ba cuộc thi viết lời cổ do Đài PT-TH Kiên Giang tổ chức năm 1996. Như “duyên tiền định”, chị và vọng cổ đã “phải lòng nhau” từ đó tới giờ. Giây phút chị sáng tác lời vọng cổ như một “liều thuốc tinh thần” giúp chị vơi nỗi buồn không có người bạn đời - chồng chị - bên cạnh. Thích giai điệu nhẹ nhàng, dễ thương của các điệu lý: Lý Cái Mơn, Lý Năm Căn, Lý chiều chiều… và những bài bản vắn: Vọng kim lang, Nam ai…, nên chị đã đem hết vào các bản vọng cổ của mình. Tính đến nay, Phương Tử Yến đã “rinh” về rất nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác ở khắp các tỉnh, thành phố ĐBSCL: trên 40 giải về vọng cổ, câu chuyện truyền thanh, câu chuyện truyền hình, kịch ngắn, cải lương, tuồng cổ… được đăng, phát trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT-TH Bạc Liêu, Đài Truyền hình TP. HCM, Tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu…).
Nhiều nữ nghệ sĩ họp mặt trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2016. Ảnh: H.T
Khi đề cập đến những phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật ở Bạc Liêu thì không thể không nhắc tới tác giả thơ nữ Huỳnh Ngọc Yến (Chi hội Văn học - Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh). Bất cứ lúc nào có cảm hứng, Ngọc Yến đều có thể “xuất thơ” rất… ngọt! Trò chuyện với Ngọc Yến, người đối diện như cuốn theo niềm đam mê thơ ca với cô. Có thâm niên làm thơ từ lúc học lớp nhì (lớp 4 bây giờ). Do hoàn cảnh gia đình nên gửi cô đi học xa nhà. Nỗi nhớ má khôn nguôi nên cô thường gửi tâm tư, tình cảm vào những vần thơ. Thế rồi từ những lời thơ xếp vần non nớt thuở nào, nghiệp văn chương dường như “vận” vào con người đa cảm, lãng mạn của Ngọc Yến. Hơn 50 năm chọn thơ “làm bạn đồng hành” trong cuộc sống, Ngọc Yến đã có một “bộ sưu tập” thành tích đáng ngưỡng mộ: nhiều tập thơ in chung, 3 tập in riêng (Vết son, Hôn lên nỗi buồn, Phiên bản tình) và trên 150 bài thơ được hơn 40 nhạc sĩ chọn phổ nhạc. Không chỉ vậy, tại nhiều sự kiện đặc biệt của tỉnh, Ngọc Yến thường được “chọn mặt gửi vàng” sáng tác thơ để Bạc Liêu giao lưu với tỉnh bạn…
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, ngoài nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh “gạo cội” Trần Thị Thu Đông thì còn có một gương mặt mới nổi đó là cô Võ Kim Cương (câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ - Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh). Có “gen di truyền” từ cha (nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh) nên cô am hiểu về nhiếp ảnh từ nhỏ. Dẫu cầm máy khá muộn do không sắp xếp được thời gian, nhưng cô cũng đã gặt hái được một số thành tích đáng khích lệ. Giải thưởng đầu tiên vào năm 2012 với tác phẩm “Du xuân” là “bước khai phá” niềm đam mê nhiếp ảnh trong cô. Kể từ đó, hầu như năm nào cô Kim Cương cũng đoạt giải ảnh, cụ thể là giải Khuyến khích năm 2013 với tác phẩm “Nhịp chài quê mẹ”; tham gia triển lãm ảnh ĐBSCL; huy chương Đồng giải “1st MIROC Exhibition Edenvale 2015” do Irak tổ chức với tác phẩm “Ngày mới”; năm 2016 ghi dấu với nhiều giải ảnh quốc tế và trên 65 tác phẩm dự treo tại các nước.
Ở các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật khác cũng đã ghi nhận nhiều gương mặt nữ tài năng. Điển hình như: nghệ sĩ Mỹ Hạnh (Đài PT-TH Bạc Liêu) không chỉ hoàn thành tốt với vai trò người dẫn chương trình trong nhiều sự kiện lớn, nhỏ của tỉnh, mà còn vào vai ngọt sớt trong các vở cải lương. Chị cũng sở hữu nhiều huy chương Vàng trên “đấu trường” cải lương chuyên nghiệp toàn quốc; nghệ sĩ Ngọc Đợi (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu) cũng làm rạng danh đất Bạc Liêu với giọng ca mượt mà, cùng diễn xuất ngày càng “chín muồi” và đoạt nhiều giải thưởng danh giá…
Có thể nói, những “đóa hoa” trong “khu vườn” văn hóa - nghệ thuật Bạc Liêu đã âm thầm cháy hết mình với niềm đam mê và mang về không ít vinh quang cho tỉnh nhà. Tin rằng, với nhiệt huyết ấy, họ sẽ tiếp tục cống hiến cho đời nhiều “tinh túy văn hóa” hơn nữa!
Ngọc Trân
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh
- Tổng kết Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”