Văn hóa - Nghệ thuật
Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4: Nghĩ về văn hóa Bạc Liêu
“Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội”. Người viết bài này muốn đi từ một định nghĩa về văn hóa của Tổ chức UNESCO (trong hàng trăm định nghĩa khác về văn hóa) để hình dung về văn hóa Bạc Liêu, để trả lời câu hỏi: Những nét riêng biệt nào của Bạc Liêu đã giúp địa phương này khẳng định nét riêng của mình và đem vốn liếng văn hóa ấy đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam?
Là mảnh đất có 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa chung tay góp sức xây dựng và phát triển, nhưng thật khó để tách rời sự khác biệt về văn hóa của các dân tộc anh em ở Bạc Liêu. Phong tục, tập quán, lễ hội có thể mỗi dân tộc có những ngày đặc biệt riêng, nhưng cái nếp sinh hoạt, ý nghĩa, tâm tư, tình cảm thì có thể nói “tuy ba mà một”. Những lễ hội, phong tục của dân tộc này được người anh em kia hưởng ứng, tham gia, những gia đình có 3 dân tộc cùng chung sống, hòa chung huyết thống là chuyện thường thấy ở Bạc Liêu… Vâng! Chính khối đại đoàn kết ấy đã trụ thành thế đứng vững vàng “kiềng ba chân” để kiến tạo chung một bản sắc văn hóa Bạc Liêu!
Lễ hội đồng Nọc Nạng (TX. Giá Rai) là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Tìm hiểu về bản sắc riêng của văn hóa Bạc Liêu, khách thập phương thường hay nghĩ đến cánh đồng Nọc Nạng đẫm máu người nông dân năm xưa chống ách áp bức cường hào cho hôm nay sừng sững một khu di tích với tên gọi khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (TX. Giá Rai), hay xuôi dòng nước ngọt về miệt Hồng Dân mà ngắm nhìn di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu như lời vang vọng của lịch sử hôm qua đang còn nguyên đó, hoặc về di tích lịch sử trận Giồng Bốm gắn liền tên tuổi của “kẻ sĩ Phương Nam” Cao Triều Phát… Gìn giữ và tôn tạo những địa chỉ đỏ, Bạc Liêu giúp người ta hiểu rằng đây còn là vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng.
Nơi bạt ngàn với đồng vàng biển bạc, với những địa danh, con người đã khắc nét vàng son cho lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử tỉnh nhà nói riêng còn là vùng đất ngọt ngào, mê đắm bởi bản Dạ cổ hoài lang bất tử của nghệ nhân Cao Văn Lầu. Một khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được Bạc Liêu trân trọng như báu vật, có người gọi đó là thánh đường, người thì cho đó là bảo tàng về đờn ca tài tử trên đất Bạc Liêu, gọi thế nào thì đó cũng là cách Bạc Liêu trân trọng gìn giữ những di sản văn hóa vật thể - phi vật thể vô cùng quý báu làm vốn liếng cho văn hóa Bạc Liêu trên từng chặng đường phát triển.
Bên cạnh những nguồn lực có hạn, Bạc Liêu đã nhận biết, trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của mình trong hành trình trưởng thành và hội nhập. Một hệ thống chính trị chú trọng đầu tư cho sự phát triển toàn diện, trong đó lấy nền tảng văn hóa làm một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu, đúng như "kim chỉ nam" mà Đảng đã chỉ đường cho đất nước tiến bước. Văn hóa Bạc Liêu đã được vun đắp, kết tinh, gìn giữ và phát huy cho “đậm đà bản sắc” hơn xuyên suốt hành trình lịch sử. Đó cũng là nhờ tinh thần đoàn kết cao độ của anh em các dân tộc trên đất Bạc Liêu: Kinh - Khmer - Hoa quả đúng như thế đứng vững của “kiềng ba chân”!
Văn hóa các dân tộc anh em trên đất Bạc Liêu còn là những dòng sử về con đường hình thành những di sản văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo! Ngoài đứa con chung là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Bạc Liêu lại có thêm một “hành trình di sản” đầy hứng khởi, từ câu hò Bạc Liêu đến điệu nói thơ Bạc Liêu cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào kháng chiến… Hình như trong bất cứ hoàn cảnh nào, tâm hồn giàu cảm xúc và khối óc tài hoa đã giúp người Bạc Liêu dễ sinh tình và sinh ra những “đứa con tinh thần” vô giá!
Sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế - xã hội từ Trung ương đến các địa phương. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể tự hào rằng chính khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trên đất Bạc Liêu đã tạo thành sức mạnh gắn kết từ vật chất đến tinh thần, hợp thành một bản sắc văn hóa độc đáo làm nên sức mạnh, hành trang để Bạc Liêu vững bước phát triển. Cần nhận diện rõ tầm quan trọng của sự gắn kết này để làm “kim chỉ nam” cho hướng đi phía trước, đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ rõ: “Chăm lo bảo vệ, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa là chăm lo bảo vệ, xây dựng và phát triển nền tảng tinh thần của dân tộc, thống nhất ý chí và bản lĩnh của dân tộc, quyết tâm của dân tộc trong sự nghiệp đổi mới hiện nay”.
CẨM THÚY
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh