Người trẻ giữ gìn​ văn hóa Khmer truyền thống

Thứ Hai, 12/06/2023 | 15:38

“Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết” - câu nói này được truyền tai nhau ở các phum sóc, chứng minh sức ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa - nghệ thuật trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer nói chung, những bạn trẻ nói riêng. Với những chàng trai, cô gái Khmer, việc tiếp giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông không chỉ xuất phát từ đam mê mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào dân tộc.

Các bạn trẻ trong đội múa của chùa Cái Giá giữa (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) biểu diễn trong Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây.

TRÂN TRỌNG DI SẢN CỦA CHA ÔNG

Dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, song tình yêu nghệ thuật đã chớm nở trong những năm bạn Sơn Phương Thảo (ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) học THPT. Đó là hành trang để sau này, cô gái Khmer “đầu quân” cho Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu với vai trò là diễn viên múa.

Ngoài hoạt động ở đoàn, Phương Thảo thường xuyên đi múa phục vụ ở các chùa trong dịp lễ hội. Xuất phát từ niềm tự hào văn hóa dân tộc, Phương Thảo đang có ý định đề xuất với Ban quản trị chùa Ghositaram (chùa Cù Lao, tọa lạc tại ấp Cù Lao) - nơi gia đình mình sinh hoạt tín ngưỡng sẽ thành lập nhóm múa. Đích thân Phương Thảo và Đoàn Thanh niên xã đi tập hợp lực lượng và “cầm tay” hướng dẫn kỹ thuật múa cơ bản, nâng cao cho các bạn trẻ.

Phương Thảo chia sẻ: “Từ những kinh nghiệm đứng trên sân khấu, tôi hy vọng sẽ vận dụng những gì bản thân tích góp được để giữ gìn văn hóa Khmer truyền thống. Hơn nữa, việc thành lập nhóm múa ở chùa sẽ giúp các bạn có đam mê với điệu múa dân tộc được phát huy năng khiếu, cũng như thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa mà cha ông để lại cho thế hệ hôm nay”.

Ngoài các dịp lễ hội Khmer, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bạc Liêu còn được tham gia giao lưu văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc vào thứ Bảy hằng tuần. Hoạt động này đã tạo sinh khí vui tươi để các em có thêm động lực học tập, góp phần mở ra sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp học sinh của trường nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Em Thạch Ni Chành Đi - học sinh Trường phổ thông dân tộc Nội trú Bạc Liêu, bày tỏ: “Em và các bạn rất thích thú mỗi lần được nhà trường dạy hát, múa và hòa tấu nhạc ngũ âm. Trong đó, nhạc ngũ âm dù là bộ môn nghệ thuật không phù hợp với phái nữ, song em sẽ cố gắng tập luyện thêm kỹ năng chơi nhạc cụ truyền thống để sau này có cơ hội trình diễn trong các dịp lễ hội văn hóa”.

Môn đua ghe Ngo ngày càng có nhiều thanh niên Khmer tham gia. Ảnh: H.T

CẦN MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT HUY

Nhạc sĩ Thạch Mô Ly - Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu cho rằng, Bạc Liêu là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, với những nét văn hóa lâu đời, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc. Do đó, cần tạo môi trường để giới trẻ biết yêu quý, tự hào rồi mới tự giác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Bởi vậy, thời gian qua, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu thường xuyên phối nhạc cổ truyền với các loại nhạc hiện đại để tạo nên những bản phối mới nhằm thu hút khán giả trẻ. Cùng với đó, Đoàn cũng làm mới những vở dù kê bằng cách thay đổi nội dung kịch bản, kết hợp những loại hình nghệ thuật mới, đưa vào những thông điệp gần gũi với đời sống thanh niên ngày nay.

Tại xã Hưng Hội và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), phong trào văn hóa trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc và sôi nổi, nhất là có sự hưởng ứng tích cực của người trẻ. Điều này xuất phát từ việc các chùa Khmer duy trì tổ chức những giải đua ghe Ngo hằng năm, phát triển các đội múa truyền thống, múa trống chhay-dăm, múa khỉ ngựa, múa rô-băm. Các đội ghe, đội múa này thường xuyên được phục vụ lễ hội, tham gia các cuộc liên hoan, hội thi nên đã lan tỏa tình yêu nghệ thuật và tập hợp được lượng lớn bạn trẻ tham gia.

Dù có giá trị đặc sắc, song văn hóa - nghệ thuật Khmer đang đứng trước nguy cơ mai một bởi sự cạnh tranh của các loại hình văn hóa hiện đại có nhiều sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Chính vì thế, việc vun đắp tình yêu, tạo điều kiện cho những người trẻ phát huy đam mê chính là giải pháp quan trọng nhất để văn hóa Khmer truyền thống được lưu truyền, phát triển rực rỡ.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.