Văn hóa - Nghệ thuật
Nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu: Cảm tình với đất Bạc Liêu
Trở lại Bạc Liêu sau hơn 9 năm vắng bóng, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trọng Hữu được khán giả - từ người dân cho đến giới trí thức, cán bộ... đón chào với sự ngưỡng mộ đặc biệt! “Về Bạc Liêu biểu diễn, anh có cảm nhận gì khác biệt khi so với nơi khác?”, với câu hỏi này, NSND Trọng Hữu bảo rằng: “Tôi dành nhiều cảm tình cho đất Bạc Liêu, nơi ra đời của bản Dạ cổ hoài lang, nơi khởi nguồn cho câu ca vọng cổ...”.
Lãnh đạo một số ban, ngành tỉnh Bạc Liêu và người hâm mộ chụp ảnh lưu niệm với NSND Trọng Hữu (ngồi giữa). Ảnh: Thanh Phong
Ấn tượng từ đêm tri ân
Lần gần đây nhất là tháng 4/2014, trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ quốc gia lần thứ nhất, NSND Trọng Hữu đã cùng với nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật tôn vinh, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của hai soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang với chủ đề “Còn mãi với thời gian”. Trong chương trình này, ông cùng với các nghệ sĩ: Cẩm Tiên, Trọng Phúc, Phượng Hằng biểu diễn bản vọng cổ Ơn Đảng của soạn giả Trọng Nguyễn. Với NSND Trọng Hữu, đó là một kỷ niệm không thể quên!
Khi ấy, soạn giả Trọng Nguyễn sức khỏe đã yếu nhiều, nên càng dễ xúc động trước một đêm tri ân đặc biệt như thế! Nhìn thấy sự xúc động của vị soạn giả đã viết nên hàng trăm bản vọng cổ Còn mãi với thời gian trong khoảnh khắc đó, dù đã trôi qua nhiều năm nhưng NSND Trọng Hữu vẫn nhớ. “Từ trước đến lúc đó và cho cả đến bây giờ, việc tôn vinh những tác giả, soạn giả vọng cổ chỉ có mỗi Bạc Liêu mới tổ chức một cách bài bản, đậm nghĩa tri ân và đầy chất văn hóa như vậy! Điều đó không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ cảm thấy ấm lòng và xúc động”.
Khán giả mộ điệu hẳn không bao giờ quên một Trọng Hữu với chất giọng trầm ấm trong từng vai diễn để đời đã in sâu vào lòng khán thính giả, như: “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “Chuyện tình Hàn Mặc Tử”, “Chuyện tình Lan và Điệp”; hay những bản vọng cổ: “Thương em nhiều qua lá thư xuân”, “Chợ Mới”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tình đồng chí”, “Ơn Đảng”… Với những đóng góp đặc biệt cho sân khấu cải lương, mới đây, tại chương trình Gala nghệ thuật “Dấu ấn Giải Mai Vàng” do Báo Người Lao Động tổ chức, NSND Trọng Hữu được vinh danh là nghệ sĩ đã có cống hiến đặc biệt trong đời sống cộng đồng.
NSND Trọng Hữu và Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc chủ đề “Hương sắc Bạc Liêu”. Ảnh: H.T
Cảm xúc với đất tài tử
NSND Trọng Hữu chia sẻ rằng trong gần 50 năm qua, ông từng tham gia rất nhiều chương trình sân khấu cải lương, nhưng mỗi khi về Bạc Liêu biểu diễn, vẫn luôn có một cảm tình rất đặc biệt! “Ai cũng biết Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nơi bác Sáu Lầu cho ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” làm nền móng cho vọng cổ - bài ca vua trên sân khấu cải lương; và cũng là quê hương có nhiều anh tài, nghệ sĩ đã góp công để vọng cổ biến hóa và sống mãi với thời gian... Cho nên không chỉ cá nhân tôi, mà tôi nghĩ rằng, tất cả các nghệ sĩ về đây biểu diễn, ca cải lương, vọng cổ phải thật chỉn chu, thật trách nhiệm với tiền nhân. Còn một điều nữa, tôi nghĩ rằng ở Bạc Liêu, từ anh cán bộ, bác sĩ, đến người buôn bán, nông dân rất nhiều người biết và thích ca vọng cổ nên nghệ sĩ càng phải thật chuẩn mực hơn trong ca diễn”.
Vẫn phong thái điềm đạm, hòa đồng, gần gũi của “một nghệ sĩ nông dân”, tác phong một người từng công tác trong quân đội, NSND Trọng Hữu trong chiếc áo sơ mi trắng, quần âu và chân mang đôi dép quai rất... chân chất khi tiếp xúc với những khán giả mến mộ (trước giờ “G” chương trình Vầng trăng cổ nhạc lần thứ 236 chủ đề “Hương sắc Bạc Liêu” vừa qua). Quấn chiếc khăn choàng ngang cổ áo (vì sợ thức ăn làm bẩn chiếc áo trắng), ông thưởng thức tô bún bò cay cho bữa điểm tâm sáng tại Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu, và không ngớt lời khen món đặc sản nổi tiếng của Bạc Liêu. Những nhân viên khách sạn cứ nhìn thần tượng của mình bằng cả sự say mê. “Bạc Liêu phát triển quá nhanh, tôi nhìn mà thật bỡ ngỡ, sau thời gian lâu lắm không trở lại nơi này”, vừa ăn thật chậm để thưởng thức vị cay cay, từng cọng bún quyện trong nước bò sánh thơm lừng, ông vừa chia sẻ với anh em ngồi cùng.
Hỏi nhiều về nghiệp cầm ca, nhiều người cũng muốn biết về nửa kia của người nghệ sĩ khá kín tiếng chuyện riêng tư này. Anh cười hiền chia sẻ: “Bà xã tôi hồi đó công tác quân y nơi tôi từng đóng quân, khám bệnh săn sóc cho bộ đội, rồi sau đó chúng tôi nên duyên”. Nghệ sĩ còn nói chân tình: “Tôi có thể có bạn bè, kể cả bạn... gái ở khắp nơi, nhưng tuyệt đối tôn trọng vợ, người đã cùng tôi đi trọn quãng đường đời, luôn đứng phía sau ủng hộ hết mình cho sự nghiệp của tôi...”.
“Tôi người viễn khách cô đơn dừng lại quán khuya giữa canh buồn hiu hắt, ngoảnh mặt nhìn xa sương rơi mờ mịt, quán lạnh về khuya vàng vọt ánh... trăng... gầy” .
Khi viết về NSND Trọng Hữu, người viết nhất định phải nghe lại bằng được bản vọng cổ “Quán nửa khuya” (soạn giả Yên Lang). Là bởi, bài này phải chất giọng này thì mới đúng điệu! Chính NSND Trọng Hữu cũng kể rằng rất nhiều khán giả, trong đó có một số vị lãnh đạo Trung ương “mê” ông ca bài này và “xin” cùng song ca với ông! Đó là niềm vui nhỏ của người nghệ sĩ trọn đời gắn bó với nghiệp bằng cả tâm huyết, trách nhiệm, và vì thế cũng nghiễm nhiên chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng bao thế hệ khán giả!
“Tôi đã phiêu bạt lang thang trên khắp nẻo đường trần... Thương Cà Mau rừng tràm xanh tiếp biển. Nhớ Bạc Liêu cò trắng rợp bờ tre”. Cố soạn giả Yên Lang viết những câu ca đượm tình như thế, rồi bài ca “gặp” chất giọng trầm ấm dễ đi vào lòng người của NSND Trọng Hữu nữa, cho nên “Quán nửa khuya” cũng là dấu ấn ngọt ngào không riêng của NSND Trọng Hữu mà còn của đông đảo khán giả Bạc Liêu khi nhắc về ông!
Cẩm Thúy
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013