Nâng cấp các di tích xuống cấp: Chú trọng nguồn lực đầu tư

Thứ Tư, 14/06/2023 | 14:41

Trải dài nhiều thập kỷ, thậm chí hơn 1 thế kỷ qua, các di tích vẫn sừng sững với năm tháng, trở thành những chứng nhân của lịch sử, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa trên mảnh đất Bạc Liêu. Song, sự khắc nghiệt của thời gian cùng sự tàn phá của môi trường đang khiến những di tích trăm tuổi vốn già yếu đang ngày càng đuối sức. Thế nhưng, việc tiếp sức cho những công trình này dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Sở VH-TT&DL khảo sát hiện trạng di tích Đồng hồ Thái Dương.

DI TÍCH “RỆU RÔ THEO THỜI GIAN

Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, Bạc Liêu sở hữu cho mình vốn quý là những di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Đi liền với sự độc đáo là quá trình hình thành lâu đời, do đó nhiều di tích dù trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng “rệu rã” trước vòng quay của thời gian.

Như di tích lịch sử - văn hóa Đồng hồ Thái Dương (TP. Bạc Liêu) - một công trình mang niềm tự hào của người Bạc Liêu khi là chiếc đồng hồ đá xác định giờ bằng ánh mặt trời duy nhất còn sót lại ở Việt Nam và thứ 2 trên thế giới. Hơn 100 năm tồn tại, chất lượng của di tích cấp tỉnh đang xuống dốc khi nhiều cấu kiện bị phong hóa, bề mặt đồng hồ bong tróc không thể xem giờ. Nhiều du khách đến Bạc Liêu hiếu kỳ muốn xem chiếc đồng hồ độc lạ này nhưng phải thất vọng, nuối tiếc.

Không chỉ di tích cấp tỉnh, các di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt cũng chung tình cảnh do không thể chống chọi trước quy luật tự nhiên. Đằng sau niềm vui vừa được công nhận điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng (TX. Giá Rai) đang nằm chờ tu bổ vì nhiều hạng mục thay nhau xuống cấp. Nhà thủy tạ, nhà trưng bày, khu mô, khu cụm tượng trận đánh của gia đình nông dân Mười Chức, nền sân, đường vào di tích và nhiều công trình phụ trợ cần phải cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng.

Sửa chữa phần mái chính điện để chống dột cho di tích Tiên sư cổ miếu. Ảnh: H.T

NGUỒN LỰC NHỎ NHƯNG NHU CẦU LỚN

Trước sự “già yếu” của các di tích quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề nghị Ban Quản lý di tích tỉnh sớm tu bổ các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ngoài ra, cho chủ trương trùng tu tổng thể với các di tích: Nọc Nạng, Đình An Trạch, Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.

Theo đó trong năm 2023, Ban Quản lý di tích tỉnh được phân bổ hơn 200 triệu đồng để làm nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị 1 di tích quốc gia đặc biệt và 5 di tích quốc gia. Tuy nhiên, số kinh phí này phải dàn trải ra để chăm sóc “sức khỏe” cả 6 di tích, phần lớn là mua sắm, sửa chữa nhỏ như: thay bóng đèn, nền gạch, phòng cháy chữa cháy, sửa nhà vệ sinh, khơi thông đường thoát nước… Với nguồn lực đầu tư nhỏ nhưng nhu cầu lại lớn, việc chống xuống cấp di tích chỉ mang tính chất tạm thời, trong đó ưu tiên khắc phục các hạng mục khẩn cấp, không thể tái sử dụng.

Cũng theo Ban Quản lý di tích tỉnh, nhiều di tích quốc gia có nguy cơ bị mối mọt phá hại rất cao do nằm ở địa bàn ẩm thấp. Thế nhưng, kinh phí dùng để chống mối mọt hằng năm cho di tích lại không nhỏ, như Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh có diện tích lớn phải cần hơn 200 triệu đồng/năm. 

Với 55 di tích, Bạc Liêu đang tự làm phong phú truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương. Chủ trương phát triển du lịch của tỉnh cũng chú trọng phát huy giá trị độc đáo của các di tích. Chính vì vậy, nếu không được đầu tư nâng cấp kịp thời, đúng mức thì không chỉ khó thu hút khách du lịch mà còn khiến các di tích ngày càng bị thời gian, môi trường tàn phá nhiều hơn.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.