Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Chủ trương của lòng dân!

Thứ Tư, 28/05/2025 | 17:42

>> Bài 1: Xóa nhà tạm -  “xây đắp” lòng dân

Bài 2: Một phong trào thi đua đặc biệt

Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi phong trào thi đua “xóa NT, NDN” trên địa bàn tỉnh được phát động, hàng nghìn ngôi nhà lần lượt khởi công, bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công. Đây là thành quả từ sự quyết liệt trong chỉ đạo và thần tốc trong thực hiện, thể hiện trách nhiệm từ trái tim của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong nỗ lực xóa NT, NDN, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng.

Tuổi trẻ Công an tỉnh hỗ trợ người dân đắp nền, dọn dẹp, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan xung quanh ngôi nhà mới được xây dựng. Ảnh: Đoàn thanh niên Công an tỉnh.

Câu chuyện của tình đoàn kết

Với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”, phong trào thi đua “xóa NT, NDN” được  các sở, ngành, địa phương tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm. Đặc biệt, từ thực tiễn với những đặc thù khác nhau, nhiều địa phương còn có những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo góp phần đưa phong trào thi đua lan tỏa mạnh mẽ, tạo dấu ấn trong cộng đồng.

Bên cạnh việc tập trung tối đa nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo điều kiện về nhà ở, đảm bảo công khai, minh bạch, các cấp ủy, chính quyền tổ chức rà soát tình hình nhà ở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân. Phân công cụ thể từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cấp xã, ấp, Ban nhân dân ấp trực tiếp theo dõi, nắm thực tế hoàn cảnh, thân nhân hộ gia đình để có kế hoạch vận động, hỗ trợ với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Trong các hoàn cảnh được tặng nhà, câu chuyện của chị Huỳnh Trúc Nị (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) dường như đã chạm được tới xúc cảm của rất nhiều người. Bởi nơi mái lá không còn lành lặn ấy, lâu nay đã mất đi bóng dáng người đàn ông trụ cột của gia đình. Chồng mất sau quãng thời gian chống chọi với bạo bệnh, chị Nị vốn thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm ổn định, giờ đây lại phải một mình nuôi con và cưu mang thêm hai đứa cháu. Ai thuê gì làm nấy, tiền công nhật chỉ đủ để cho các thành viên chống chọi qua cái đói. Chuyện sửa lại ngôi nhà lá đã đổ sập với ai đó có thể là bình thường nhưng với chị lại là dự định xa vời. Chỉ đến khi Ban chỉ đạo xóa NT, NDN của huyện Hòa Bình hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng lại nhà mới, chị Nị mới dám tin đó là sự thật. Thương cảnh nhà chị neo đơn, phải gói ghém từng đồng chi phí nên đoàn thể ấp, xã và hàng xóm xung quanh không ai bảo ai mà tập trung lại giúp ngày công để căn nhà được hoàn thành đảm bảo “3 cứng”. Không khang trang như những ngôi nhà kín cổng cao tường, song mái ấm đã đủ vững trãi để mẹ con, bà cháu che nắng, trú mưa.

Hành trình biến những giấc mơ an cư của người nghèo thành hiện thực còn được ví von một cách nhân văn rằng: “chính quyền địa phương như ông Bụt trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường”. Bởi đối với những trường hợp người nghèo không có đất để xây dựng nhà, “ông Bụt” đó đã đứng ra vận động thân nhân cho, tặng hoặc hỗ trợ tiền để người nghèo mua đất. Tiếp đến còn kêu gọi, tập hợp các đoàn thể, lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương đoàn kết cùng chung tay xây dựng lần lượt từng ngôi nhà. Hầu hết các xã, thị trấn đều thành lập được đội tình nguyện sẵn sàng tham gia hỗ trợ ngày công để giảm chi phí xây dựng đến mức thấp nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Không dừng lại ở việc dựng lên những căn nhà mơ ước cho người nghèo, các địa phương còn hỗ trợ, tạo việc làm theo từng trường hợp cụ thể để có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Nhiều tháng qua, hình ảnh bất chấp nắng bụi, mưa lầy, từ sáng sớm đến tối trời, ở khắp các xóm, ấp trên địa bàn tỉnh đều có bóng dáng đoàn viên – thanh niên, dân quân tự vệ, chiến sĩ công an trong bộ quân phục, cán bộ đoàn thể… luân phiên nhau tháo dỡ những căn nhà xuống cấp, xúc cát, trộn hồ, bê gạch để xây nên hàng loạt căn nhà mới cho người nghèo đã đọng lại thật đẹp trong lòng người dân Bạc Liêu. Không khí thi đua xóa NT, NDN ở các địa phương trở thành một phong trào rộng khắp, ngày càng có nhiều ngôi nhà được xây dựng lên từ sức mạnh của chính quyền và cộng đồng.

Ngân hàng Sacombank đã trao tặng kinh phí cho tỉnh xây dựng ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Toàn xã hội chung tay lo chuyện an cư cho người nghèo

Qua thực tiễn, phong trào thi đua “xóa NT, NDN” không chỉ là câu chuyện về những ngôi nhà mới mà còn là hình ảnh đẹp về sự đoàn kết. Nhiều tổ chức, cá nhân không ngần ngại góp công, góp của. Cùng với đó, các chương trình từ thiện, quỹ hỗ trợ và những chiến dịch kêu gọi đóng góp từ cộng đồng trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đã tạo thành nguồn lực to lớn để thực hiện mục tiêu này. 

Đại tá Hồ Việt Triều - Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Ngay sau khi có chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an về việc hỗ trợ 700 căn nhà cho tỉnh Bạc Liêu, Công an tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, rà soát, lựa chọn những hộ gia đình thật sự khó khăn về nhà ở, bảo đảm đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Công an tỉnh đã phối hợp Sở Xây dựng và Cục Quản lý xây dựng và doanh trại để tham mưu Bộ Công an, UBND tỉnh thống nhất thiết kế, kết cấu, diện tích, vật liệu xây dựng và chọn nhà thầu đủ năng lực tiến hành thi công, đảm bảo mỗi căn nhà phải có nền cứng, tường cứng, mái cứng và bền, đẹp, tiết kiệm chi phí”.

Trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt để đảm bảo tiến độ đề ra, Công an tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức khảo sát xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. “Không có ngày nghỉ”, “làm xuyên lễ, Tết”, tinh thần này trở thành động lực để Công an các cấp tham mưu tốt cho Ban Chỉ đạo xóa NT, NDN tiến hành rà soát khảo sát và lập danh sách 700 hộ có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở đúng tiêu chí. Kể cả xác định rõ diện tích đất, tính pháp lý của đất xây dựng nhà, kinh tế đối ứng của từng hộ gia đình, kinh phí hỗ trợ của mạnh thường quân. Công an các cấp cũng huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang trên địa bàn phụ trách từng hộ dân (trung bình 5 người hỗ trợ 1 căn nhà). Đến hết ngày 30/4/2025, đã cơ bản xây dựng và hoàn thành 700 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an.

Đồng hành cùng chương trình này, Ngân hàng Sacombank trao tặng kinh phí cho tỉnh xây dựng 400 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ hỗ trợ 100 căn nhà ở cho ngư dân nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ở các xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh;…

Từ những ngôi nhà trước đây vốn dột nát, tạm bợ, với sự chung tay góp sức, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, những ngôi nhà kiên cố “trong mơ” của người nghèo, người có công đã, đang trở thành hiện thực. Thông qua chương trình, tỉnh đã khẳng định và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để xóa NT, NDN trong năm 2025, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tú Quyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.