Văn hóa - Nghệ thuật
Xây dựng thư viện số: Xu thế phát triển văn hóa đọc thời đại 4.0
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã hình thành rất nhiều trang web, ứng dụng đọc sách trực tuyến nhằm mở ra những không gian đọc vô tận, giúp việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn dù chúng ta đang ở đâu hoặc bất kể lúc nào. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các thư viện truyền thống, song cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng thư viện số để đáp ứng xu thế phát triển văn hóa đọc trong thời đại 4.0.
Cán bộ Thư viện tỉnh thực hiện số hóa tài liệu địa chí.
THƯ VIỆN THIẾU SÁCH… ĐIỆN TỬ
Trên mạng xã hội Facebook, Thư viện tỉnh vừa qua đã đăng tải những quyển sách tiêu biểu của các nhà xuất bản về chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoạt động này nhằm giới thiệu đến bạn đọc một trong chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của dân tộc; giúp người đọc hiểu, tự hào về quá trình đấu tranh anh dũng, sự hy sinh oanh liệt của quân, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Lời giới thiệu hấp dẫn về những bản sách đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc trên mạng xã hội, trong số đó có người bình luận muốn tìm đọc sách điện tử, tuy nhiên nhu cầu này không được đáp ứng do thư viện chỉ có sách giấy.
Hiện nay, Thư viện tỉnh đang lưu giữ gần 10.000 tài liệu địa chí gồm: báo, tạp chí, sách, hình ảnh, âm thanh… về đề tài lịch sử địa phương. Ngoài ra, thường xuyên sưu tầm các bài viết về văn hóa, lịch sử trong tỉnh để phục vụ nhu cầu tìm kiếm kiến thức, hoạt động nghiên cứu của bạn đọc. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 20 - 30% tài liệu địa chí được số hóa đưa lên trang web của Thư viện tỉnh. Trong số này, nhiều bản sách không được đưa toàn bộ nội dung lên web vì tránh vi phạm bản quyền. Điều này đồng nghĩa bạn đọc buộc phải đến thư viện để mượn, đọc sách giấy nếu có nhu cầu.
Bà Trịnh Thị Thanh Thùy - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, việc chuyển đổi số thư viện chưa có nhiều khởi sắc do không được đầu tư trang thiết bị, nhất là phần mềm số hóa. Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản tài liệu quý hiếm cũng chưa đáp ứng nên thư viện ưu tiên số hóa các tài liệu giấy có nguy cơ hư hỏng, quá trình phân hủy nhanh để kịp thời lưu trữ và phục vụ bạn đọc”.
Bạn đọc tìm kiếm tài liệu tại phòng Thư viện điện tử của Thư viện tỉnh. Ảnh: H.T
HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI THƯ VIỆN HIỆN ĐẠI
Với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động và sự cạnh tranh cho thư viện truyền thống trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, Thư viện tỉnh được từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kết nối mạng lưới hiện đại; đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm hình thành thư viện điện tử, thư viện số.
Về phát triển dữ liệu số, Thư viện tỉnh ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; thư viện chuyên ngành chú trọng số hóa tài liệu nội sinh, quý hiếm, tài liệu tham khảo, tài liệu có nhu cầu sử dụng cao; thư viện lực lượng vũ trang sẽ số hóa tài liệu về quân sự, an ninh, các đề tài chiến tranh cách mạng…
Kế hoạch cũng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông nhằm chia sẻ, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong tỉnh và cả nước; tiến tới hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số. Đặc biệt, phát triển các ứng dụng đọc trên thiết bị di động thông minh để giới thiệu đến bạn đọc các tài nguyên thông tin mới, hỗ trợ tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa…
Trước thực trạng và xu thế phát triển văn hóa đọc, việc đầu tư cho mạng lưới thư viện hiện đại là vô cùng cần thiết và cấp thiết để hệ thống thư viện trong tỉnh đủ sức cạnh tranh, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.
HỮU THỌ
- Xóa nhà tạm, nhà dột nát – Chủ trương của lòng dân!
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thảo luận về Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quốc tịch Việt Nam
- Tổng kết Dự án tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái nông nghiệp tại Bạc Liêu
- Thí điểm đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trên Zalo và bệnh án điện tử
- Công trình ứng dụng ảnh viễn thám giám sát điện gió của Bạc Liêu đạt giải thưởng quốc gia