Văn hóa - Nghệ thuật
Nâng cao trình độ lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật: Việc cấp bách và lâu dài
Nâng cao trình độ lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật (VH-NT) là việc làm cấp bách và lâu dài. Bởi vì hiện nay, VH-NT có quá nhiều hiện tượng mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thị hiếu và thẩm mỹ của độc giả nói riêng, công chúng nói chung; và lâu dài vì VH-NT từ lâu vốn là lĩnh vực quan trọng, tinh tế của văn hóa, của con người. VH-NT bất kỳ thời đại nào cũng đều có vai trò đặc biệt trong việc định hướng chân - thiện - mỹ cho con người.
Với ý nghĩa đó, lớp tập huấn nâng cao trình độ nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý VH-NT trong giai đoạn hiện nay vừa được Hội đồng lý luận - phê bình VH-NT (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức tại TP. Cần Thơ. Đây là lớp học thứ 15 của Hội đồng tính từ năm 2009 đến nay. Hơn 200 học viên là lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo, Hội VH-NT, các cơ quan báo chí của 35 tỉnh, thành Nam bộ và Nam Trung bộ dự học, đặc biệt lớp học còn có những người đã đạt học vị phó giáo sư, tiến sĩ cùng tham gia. Một lớp tập huấn đa thành phần, đến từ những đơn vị khác nhau ít nhiều cũng tạo áp lực đối với những người đứng lớp. Chính vì vậy, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận - phê bình VH-NT, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh rằng: “Những buổi lên lớp chủ yếu mang tính chất trao đổi vấn đề, không có sự giảng dạy mà chỉ là hàn huyên nên phải đảm bảo tính bình đẳng, dân chủ”.
Các học viên lớp tập huấn. Ảnh: C.T
Tại lớp tập huấn lần này, những người trong vai trò “báo cáo viên” đã trình bày rất nhiều chuyên đề hay và mang tính thực tiễn. Chuyên đề “Quán triệt đường lối, quan điểm VH-NT của Đảng trong tình hình hiện nay” do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ trình bày đã chỉ rõ những quan điểm của Đảng về tình hình VH-NT ở nước ta hiện nay gắn với lý luận từ thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức và áp dụng vào công tác quản lý VH-NT ở các địa phương. Khi trình bày chuyên đề “Thông tin về nghệ thuật múa”, PGS-TS-NSND Ứng Duy Thịnh đã báo động về tình hình lệch chuẩn, loạn chuẩn trong VH-NT nói chung hiện nay, nhan nhản những cái thô tục, trái với thuần phong mỹ tục vẫn được nhiều người đưa vào tác phẩm VH-NT, từ đó thị hiếu của công chúng không được định hướng rõ ràng. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ thái độ tôn vinh những tác phẩm VH-NT, trong đó có những tác phẩm nghệ thuật múa đã có sức biến cái đời thường trở thành cực kỳ cao thượng, đẹp đẽ, thật sự cần phát huy trong đời sống VH-NT hiện nay. PGS-TS Phan Trọng Thưởng cũng đưa ra những vấn đề cấp bách và mang tính lâu dài trong “Kỹ năng viết bài phê bình VH-NT”. Nói về phê bình VH-NT, ông đã đưa ra những nhận định như: “Mỗi nhà văn, nhà thơ cũng chính là nhà lý luận, phê bình văn học, vì khi viết, sau đó đọc lại, sửa chữa lại lỗi mắc phải trong tác phẩm của mình chính là lúc anh ta tự phê bình tác phẩm của mình trước khi đến với công chúng. Vì vậy, theo ông, người viết dở cũng đồng thời là nhà phê bình “tồi”, muốn phê bình VH-NT một cách khách quan và thuyết phục thì phải đảm bảo những yếu tố như: tôn trọng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, bám sát các đặc trưng của VH-NT, khi phê bình, ta đang giải tỏa cảm xúc cá nhân nhưng phải được chế ngự bằng lý trí, biến hăng say của lý trí thành lý trí của hăng say…
Thông tin về tình hình VH-NT những năm gần đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có một câu nói khiến cả khán phòng bật cười: “Người ta nói trên trời, dưới đất, còn tôi thì cải biên thành: trên trời, dưới sách, tôi không tin văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề như báo chí vẫn hay phản ánh!". Ông lý giải văn hóa đọc vẫn còn thu hút độc giả chính là ở chỗ những nhà xuất bản vẫn cho ra đời một lượng sách hùng hậu mỗi năm, độc giả vẫn tìm đến những điểm phát hành sách, cửa hàng bán sách thì không thể nói văn hóa đọc có vấn đề. Văn hóa đọc chỉ có vấn đề ở chỗ lực lượng đáng lý ra phải nên đọc sách thì lại không đọc nhiều! Đó là những cán bộ quản lý, sinh viên, học sinh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ví von: Những người sáng tác VH-NT như được gắn trong mình loại “rađa” đặc biệt, họ bắt tín hiệu từ cuộc sống rồi chuyển tải vào tác phẩm VH-NT, thế nên cán bộ phải đọc sách để nắm bắt tâm tư tình cảm của quần chúng nhân dân mà biết cách quản lý, điều hành cho phù hợp. Thế mà họ lại không đọc, hoặc không còn thời gian để đọc vì bận họp hành, công tác triền miên; sinh viên, học sinh đọc sách để mở mang kiến thức xã hội ngoài kiến thức trường lớp, thế nhưng chương trình học bây giờ đã “phủ sóng” quá dày đặc.
Một lớp tập huấn tuy chỉ trong 4 ngày, nhưng đã đặt ra và trao đổi cùng nhau những vấn đề bức xúc, những câu chuyện về lâu dài của tình hình VH-NT nước ta hiện nay. Từ những phân tích, mổ xẻ đầy sức thuyết phục về “hiện tượng văn chương” Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm “Cánh đồng bất tận” từ nhiều năm trước, cho đến những phân tích đang thời sự về chuẩn mực cái đẹp khi phong tặng danh hiệu Hoa hậu Đại dương, rồi vấn đề văn hóa đọc, tình hình khan hiếm kịch bản sân khấu và những khó khăn của sân khấu cải lương hiện nay…, lớp tập huấn đã đặt ra khá nhiều vấn đề để đội ngũ làm công tác quản lý VH-NT cùng suy ngẫm. “VH-NT vốn là lĩnh vực quan trọng, tinh tế của văn hóa và của con người”, thế nên việc nâng cao nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý VH-NT trong giai đoạn hiện nay luôn là chuyện không bao giờ muộn và là chuyện mang tính lâu dài cần được quan tâm hơn.
Nhật Quỳnh
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí