Văn hóa - Nghệ thuật
Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật: Vắng bóng trên văn đàn!
Tác phẩm văn học - nghệ thuật (VH-NT) ra đời trước, sau đó mới có hoạt động lý luận, phê bình (LLPB) VH-NT. Tuy đứng phía sau nhưng chính bản chất của lý luận, phân tích, khen - chê (chứ không đơn thuần là chê) sẽ góp phần định hướng sáng tác cho những tác phẩm tiếp tục ra đời sau đó.
Thế nhưng trên bình diện chung, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng, hoạt động LLPB VH-NT gần như vắng bóng! Những hội đồng nghệ thuật “thời vụ” được thành lập và giải thể sau những đợt bình xét, chấm giải... chắc chắn không thể thay thế chức năng mảng LLPB VH-NT đòi hỏi cần phải có sự lâu dài, thường xuyên để định hướng chân - thiện - mỹ cho VH-NT.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phân tích thực trạng văn chương ĐBSCL trong hội nghị công tác văn học khu vực ĐBSCL tổ chức tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T
Phát triển chưa đồng đều
Phải khẳng định, Bạc Liêu có nhiều thành tựu VH-NT trong những năm qua. “Thai nghén” và ra đời từ một địa phương giàu chất và lượng về văn hóa, chặng đường phát triển ấy lại được soi sáng hơn bởi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới”.
Xây dựng và phát triển văn hóa, VH-NT luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống con người, tạo niềm cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm VH-NT. Trên các loại hình văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu... xuất hiện ngày càng nhiều tác giả trẻ đầy triển vọng. Phong trào sáng tác mở rộng ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, lực lượng công an... Từ đó, hoạt động sáng tác VH-NT ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân; VH-NT phát hiện nhân tố mới, đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.
Thế nhưng, “hoạt động VH-NT có phát triển mới nhưng chưa đều (mạnh về sân khấu, nhiếp ảnh, yếu về văn học, LLPB), tác giả tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao chưa nhiều, thiếu những tác phẩm văn hóa, VH-NT lớn”, cũng là nhận định trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới” của Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Những hội đồng “thời vụ”
“Hoạt động lý luận VH-NT còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Hoạt động phê bình VH-NT có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm; văn hóa phê bình bị hạ thấp...”. Đó là bức tranh chung của hoạt động LLPB VH-NT mà Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triện bền vững đất nước” đánh giá. Hoạt động LLPB chưa theo kịp thực tiễn sáng tác là tình hình ở những nơi ít nhiều đã có hoạt động này. Thế nhưng, ở Bạc Liêu LLPB VH-NT gần như... im hơi lặng tiếng!
“Tâm lý ngại phê bình là một trong những nguyên nhân khiến ngay cả một chuyên trang LLPB trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu cũng chưa được định hình”, Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu, thẳng thắn nhìn nhận. Cho nên, việc thành lập Hội đồng LLPB VH-NT cấp tỉnh là chuyện xa vời, đây là tình hình chung của cả khu vực! Sáng tác, sáng tạo VH-NT thì nhiều, nhưng hoạt động LLPB để đánh giá cái được cái chưa được, đúc rút kinh nghiệm cho VH-NT phát triển tránh sự lệch lạc, góp phần gìn giữ và hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, phát huy vai trò của mặt trận văn hóa, VH-NT trong nhiệm vụ quan trọng - bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - lại vắng bóng! Biết điểm mạnh để tiếp tục phát huy, mạnh dạn nhìn ra điểm yếu, hạn chế để khắc phục, VH-NT cần lắm “người thứ ba” là hoạt động LLPB chứ không chỉ đơn thuần hai phía: người sáng tác, sáng tạo và công chúng tiếp nhận một cách... thụ động! Khách quan mà nói, hiện nay chỉ các hội VH-NT Trung ương và một số ít tỉnh, thành có Ban hoặc Hội đồng LLPB VH-NT, còn lại hoạt động này cũng im hơi lặng tiếng nhiều năm qua như một vết lặng buồn của VH-NT đương đại. Trong khi nhìn lại lịch sử, văn chương Việt Nam, từng có thời kỳ xuất hiện nhiều nhà LLPB đã để lại ấn tượng sâu sắc trên văn đàn như: Nguyễn Hải Triều, Hoài Thanh, Hoài Chân, Hà Minh Đức, Phong Lê...
Trước tình hình hoạt động LLPB còn nhiều hạn chế và “chưa theo kịp sáng tác”, cần lắm một chỉ thị mới về đẩy mạnh công tác LLPB VH-NT trước yêu cầu mới - đây là đề xuất nhiều năm liền trên nhiều văn bản báo cáo liên quan đến VH-NT của các địa phương. Trong lúc trông chờ một hội đồng LLPB VH-NT chính thức thì việc trước mắt là sự chỉ đạo hoạt động sáng tác, sáng tạo VH-NT cần đảm bảo nguyên tắc có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, VH-NT, để VH-NT không chỉ bồi đắp tâm hồn con người mà còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VH-NT.
Cẩm Thúy
- Trao giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025