Văn hóa - Nghệ thuật
Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016: Bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc
Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016 (gọi tắt là lễ hội) diễn ra từ ngày 12 - 15/9/2016 là hoạt động chính thức của Bạc Liêu tham gia Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL. Nói về ý nghĩa của việc chọn lễ hội tham gia vào các hoạt động Năm Du lịch quốc gia, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết:
Tổ chức lễ hội phải đảm bảo về tính chất, ý nghĩa trang trọng và thể hiện sâu sắc sự tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền bối đã có công đóng góp cho sự ra đời, phát triển bản Dạ cổ hoài lang (DCHL), tiền thân bản vọng cổ. Các hoạt động lễ hội nhằm bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; động viên, khích lệ các nghệ sĩ, nghệ nhân nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng phát huy, sáng tạo, từng bước làm cho nền văn hóa truyền thống của tỉnh nhà đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, các hoạt động phải đảm bảo về nội dung và hình thức của một lễ hội cấp tỉnh và tính chất của lễ hội văn hóa du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Đặc biệt, đây là dịp giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương Bạc Liêu thu hút khách du lịch trên tinh thần quán triệt thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch và kế hoạch của UBND tỉnh hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016.
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014.
Ảnh: H.T
PV: Với tính chất vượt trên một hoạt động lễ hội cấp tỉnh như thế, Bạc Liêu đã chuẩn bị mọi điều kiện như thế nào để đây xứng đáng là hoạt động đủ tầm cỡ thu hút khách du lịch, thưa ông?
Ông Vương Phương Nam: Để các hoạt động đạt chất lượng và yêu cầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức lễ hội cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng. Theo đó, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu có trách nhiệm phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch một số tỉnh, thành phố để quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng chương trình chi tiết cụ thể; phối hợp với UBND TP. Bạc Liêu tổ chức các hoạt động diễn ra trong lễ hội đảm bảo nội dung và hình thức; phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu và các công ty, đại lý du lịch lữ hành trên địa bàn tổ chức các tua tuyến phục vụ khách du lịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh, lịch thiệp, hiếu khách, tổ chức tốt vệ sinh môi trường, tạo mỹ quan xanh - sạch - đẹp. Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bảo vệ trước, trong thời gian tổ chức các hoạt động lễ hội tuyệt đối an toàn. Sở Y tế có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội, chuẩn bị tốt công tác cấp cứu khi xảy ra sự cố…
PV: Thưa ông, một lễ hội tham gia Năm Du lịch quốc gia, chắc hẳn sẽ có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn?
Ông Vương Phương Nam: Như trên đã nói, với tầm cỡ và quy mô một lễ hội văn hóa du lịch, nên việc thiết kế chương trình lễ hội được chuẩn bị rất chu đáo. Các hoạt động này bao gồm: Lễ giỗ tổ cổ nhạc (lúc 20 giờ ngày 11/9 tại Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu), Lễ thắp hương tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu (lúc 15 giờ ngày 12/9 tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu), khai mạc Lễ hội DCHL năm 2016 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 12/9 tại Quảng trường Hùng Vương.
Một số hoạt động khác mang tính chất “hội” bao gồm Hội thi ẩm thực (từ 13 - 17 giờ ngày 13/9 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Bạc Liêu), Thi tìm hiểu, đối đáp bản DCHL, vọng cổ, ca dao, hò vè, thơ ca (từ 8 - 17 giờ ngày 13 và 14/9 tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu), dự kiến có 20 đội tham gia như: câu lạc bộ ĐCTT các xã, phường thuộc TP. Bạc Liêu; câu lạc bộ văn nghệ thuộc Trường đại học Bạc Liêu, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu… Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng tổ chức Liên hoan ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau năm 2016 mở rộng, diễn ra từ 13 - 15/9/2016 tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Tính đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP. HCM, Bình Dương.
Bế mạc Lễ hội DCHL và chương trình công diễn trao giải Liên hoan ĐCTT diễn ra lúc 19 giờ ngày 15/9 tại Nhà hát Cao Văn Lầu.
PV: Đặt trong mối tương quan so sánh với chuỗi các hoạt động, sự kiện đặc trưng tham gia Năm Du lịch quốc gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Bạc Liêu có tự tin rằng “với lễ hội DCHL, Bạc Liêu sẽ tạo được điểm nhấn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu” hay không, thưa ông?
Ông Vương Phương Nam: Trước năm 2014, các tỉnh, thành phố biết về Bạc Liêu rất ít. Sau Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I do Bạc Liêu đăng cai tổ chức thành công vào năm 2014 thì Bạc Liêu như được khám phá và khách du lịch tìm về nơi đây ngày càng nhiều. Cho nên, việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội DCHL lần này là phải gắn với một số hoạt động cụ thể, thiết thực đảm bảo về nội dung và hình thức của lễ hội cấp tỉnh và tính chất của lễ hội văn hóa du lịch, tạo điểm nhấn để tiếp tục quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bạc Liêu.
Giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu, đem tiềm năng, lợi thế về nhiều mặt của tỉnh, trong đó có những giá trị văn hóa bản địa độc đáo để rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Bạc Liêu với các vùng miền trong và cả ngoài nước, đây là cơ hội thúc đẩy cho Bạc Liêu phát triển trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cẩm Thúy (thực hiện)
- 36 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025
- Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu được khen thưởng tại Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện