Lại nói về… Thành hoàng!

Thứ Sáu, 23/03/2012 | 16:11

Trên chuyên mục này hầu như năm nào cũng có bài viết về Thành hoàng - vị thần chính được thờ ở đình làng. Nay xin được trở lại đề tài này với một số nhận định bổ sung.

Trước hết về mặt ngữ nghĩa, theo chữ Hán, “Thành” là cái thành, “hoàng” là cái hào bao quanh cái thành. Nhưng khi ghép chung 2 từ này lại thì từ mới “thành hoàng” dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành và nói rộng ra là bảo vệ quốc gia, phù hộ cho dân (hộ quốc tí dân). Theo cố nhà văn Sơn Nam, gọi “Thành hoàng” ra “Thần hoàng là sai nghĩa, vì “thần hoàng” chỉ có nghĩa là một nghi lễ “đốt tờ giấy vàng”, tức đốt bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến (tục này ở Nam bộ không có). Tại Bạc Liêu, có vài đình (vốn là đình làng trước đây) có biển đề là “Thần hoàng”.

Thật ra, “Thành hoàng” và “Thần hoàng” với nghĩa là “vị thần” thì không có gì khác nhau. Theo wikipedia.com, ngay “trong sách Việt Nam phong tục, lễ Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, thì rõ là tác giả sách đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau” (một nghĩa là nghi lễ; một nghĩa là vị thần ở đình làng).

Ở Nam bộ, do là vùng đất mới, có nhiều làng mới được lập, mỗi làng trước sau cũng lập nên một ngôi đình - không chỉ xem đây là nơi thờ tự mà còn xem đây là một địa chỉ không chỉ để tổ chức những buổi sinh hoạt về văn hóa mà còn tổ chức các buổi sinh hoạt về hành chính, pháp luật. Do đình mới nên chẳng biết thờ vị thần nào. Năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839), vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ cho các địa phương, chủ yếu là ở Nam bộ, lập thêm thần vị “Bổn cảnh” ở đình làng thờ Thành hoàng, gọi đầy đủ là “Thành hoàng bổn cảnh”.

Vấn đề là không nên nhầm “thành hoàng” và “thần hoàng” khi phiên từ chữ Hán ra chữ Việt, mà điều này lại hay xảy ra. Một ngôi đình ở phường 5 (TP. Bạc Liêu), trên đường Cao Văn Lầu có tấm biển đề bằng chữ Việt là Thần hoàng nhưng chữ Hán lại viết là “Thành hoàng”. Miếu Đá Trắng là ngôi miếu khá cổ ở Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1876, nay có tấm biển đề là miếu Thần hoàng nhưng chữ Hán lại là Thành hoàng. Nguyên miếu này trước đó thờ Ông Tà (Ông Tà Bạch - dịch ra chữ Hán là Bạch Lão), sau đó mới thờ Thành hoàng. Thiết nghĩ, ở 2 cơ sở thờ tự nêu trên và ở một số nơi khác cũng nhầm lẫn tương tự, Ban Trị sự nên cho viết lại bằng tiếng Việt là Thành hoàng cho đúng.

Một đặc điểm cần chú ý đối với thành hoàng ở Nam bộ nói chung, ở Bạc Liêu nói riêng là đa số thần đều không phải là vị thần cụ thể, có tên họ, sự tích rõ ràng (như các vị thành hoàng ở nơi khác, là nhân thần hay thiên thần). Đây là một vị thần Thành hoàng mới, lúc trước không phổ biến bởi không xác định danh tính. Trong đình làng, ngay chính điện, chỉ thờ một chữ “thần”. Tuy vậy, vị thần này (Thành hoàng) được vua ban cho những mỹ hiệu rất đẹp như “Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng” (rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ)...

Hầu như tất cả mỹ hiệu của các vị thành hoàng ở Bạc Liêu đều do các vua triều Nguyễn ban tặng và tập trung là của vua Tự Đức, thậm chí kéo dài cho đến đời vua Khải Định (thời kỳ thực dân Pháp đã thôn tính hết nước ta và đặt ra những vị vua Việt bù nhìn).

Dưới đây là mỹ hiệu của một số vị thành hoàng ở Bạc Liêu.

Thành hoàng ở đình An Trạch (phường 2, TP. Bạc Liêu): Đôn ngưng dực bảo trung hưng. Mỹ hiệu do vua Khải Định phong tặng vào ngày 27/7/1924 nhân dịp mừng thọ vua 40 tuổi.

Thành hoàng ở đình Phong Thạnh (ấp 4, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai): Quảng hậu chính trực hựu thiện đôn ngưng. Mỹ hiệu do vua Tự Đức phong tặng vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (1853) - năm Tự Đức thứ 5.

Thành hoàng ở đình Tân Long (ấp Cầu Sập, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi): Quảng hậu chính trực hựu thiện đôn ngưng. Mỹ hiệu cũng do vua Tự Đức phong tặng vào thời điểm nêu trên.

Một vài đình làng khác ở Bạc Liêu tuy có sắc phong của vua (chủ yếu là của vua Tự Đức) nhưng bị cho là mất như đình Thạnh Huề (đình Nguyễn Trung Trực ngày nay, ở xã An Trạch, huyện Đông Hải). Nhiều đình làng không có sắc thần của vua do không có xin sắc phong (đối với đình đã được xây dựng vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) hoặc chỉ mới xây dựng sau này (giữa thế kỷ 20 trở lại đây). Một số cơ sở thờ tự thờ thành hoàng nhưng không phải là đình mà chỉ được gọi là miếu (do quy mô xây dựng nhỏ) như miếu Thần hoàng (miếu Đá Trắng), phường 7, TP. Bạc Liêu; miếu Thần hoàng ở phường 2, TP. Bạc Liêu…

Một đặc điểm là các vị thành hoàng trước đây còn được phân biệt thứ hạng như sau: Thượng đẳng thần gồm các vị thần sông núi, đất đai; các bậc thiên thần có sự tích linh dị; nhân thần (như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo). Trung đẳng thần là những vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút ít linh dị. Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng mà không rõ sự tích.

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.