Văn hóa - Nghệ thuật
Huyện Hồng Dân: Đặc sắc nét văn hóa chùa Khmer
Ngoài những làng nghề truyền thống, đặc sản gạo Một bụi đỏ… huyện Hồng Dân còn được biết đến là nơi sở hữu nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Khmer vẫn được người dân ở Hồng Dân gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần hình thành nét văn hóa độc đáo, riêng biệt cho địa phương.
Độc đáo những ngôi chùa Khmer trăm tuổi
Từ bao đời nay, chùa Khmer gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân huyện Hồng Dân. Ở đâu có đồng bào dân tộc Khmer tập trung sinh sống thì nơi đó gần như xuất hiện chùa chiền. Hiện toàn huyện có 5 ngôi chùa Khmer cổ, gồm: chùa Đầu Sấu (xã Lộc Ninh), chùa Ngan Dừa (thị trấn Ngan Dừa), chùa Chệt Xỉa (xã Ninh Quới A), chùa Cỏ Thum (xã Ninh Thạnh Lợi) và chùa Dì Quán (xã Ninh Quới). Mỗi ngôi chùa có một lịch sử, đặc điểm hình thành khác nhau, nhưng đều là những công trình kiến trúc cổ kính, có giá trị nghệ thuật độc đáo.
![]() |
Chùa Đầu Sấu (xã Lộc Ninh) có kiến trúc rất độc đáo. Ảnh: H.T |
Nằm bên bờ con kênh Lý Tư của ấp Cỏ Thum, chùa Cỏ Thum được xây dựng với dáng vẻ uy nghiêm. Đến nay chùa đã được 182 năm tuổi. Đây là ngôi chùa Khmer duy nhất ở Hồng Dân được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa từng che chở cán bộ, chiến sĩ và cũng là ngôi chùa có nhiều nhà sư tham gia đánh giặc. Vì thế, chùa Cỏ Thum được xem như một “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, đồng thời là niềm tự hào của đồng bào Khmer huyện Hồng Dân.
Phát huy giá trị chùa Khmer
Không chỉ là nơi thờ phụng linh thiêng, chùa Khmer còn là một nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc ở Hồng Dân. Hầu hết, các lễ hội văn hóa, tết cổ truyền như: Chôl Chnăm Thmây, Oóc Om Bóc, Sen Đôn Ta… đều được tổ chức tại chùa. Hàng năm, vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) hoặc kỷ niệm ngày chia tách huyện (15/10), Hồng Dân đều tổ chức lễ hội đua ghe ngo truyền thống. Trước những ngày thi đấu, không khí ở các chùa Khmer địa phương này đều vui như trẩy hội. Ai cũng tất bật với việc chuẩn bị tập luyện, sắm sửa trang phục, cờ hoa và tân trang ghe của chùa để sẵn sàng cho ngày thi thố.
Còn những ngày diễn ra lễ hội, từ thanh niên đến cụ già, trẻ em đều lên chùa cúng bái, nhảy múa, tham gia trò chơi dân gian. Khi đêm xuống cũng là lúc những điệu múa lâm thôl đặc trưng của dân tộc làm rộn ràng cả phum sóc. Ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng VH-TT huyện Hồng Dân cho biết: “Mỗi năm, huyện đều phối hợp với Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con tại các chùa Khmer. Nhờ vậy, đời sống tinh thần người dân phum sóc ngày càng được nâng lên, đồng thời góp phần giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer”.
Tuy chứa dựng nhiều giá trị văn hóa, nhưng điều đáng băn khoăn hiện nay là nhiều công trình nghệ thuật chùa Khmer đang xuống cấp, thiếu kinh phí tu bổ. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân tộc hoạt động không hiệu quả, thậm chí mai một do thiếu nhân lực và vật lực. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, các chùa Khmer ở huyện Hồng Dân rất cần sự quan tâm, đầu tư của các ngành, các cấp.
HỮU THỌ
- Tập huấn chuyên đề “Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”
- Hơn 90 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XXVII - năm 2025
- Kiểm tra thực tế mô hình tôm - lúa ở xã Long Điền Đông A
- Thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tặng quà cho học sinh và người già neo đơn tại Bạc Liêu
- Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Chủ trương của lòng dân!