Văn hóa - Nghệ thuật
Hội thi Tiếng hát PT-TH tỉnh Bạc Liêu lần thứ X - năm 2017: Ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp
Hội thi Tiếng hát PT-TH tỉnh Bạc Liêu lần thứ X - năm 2017 (gọi tắt là hội thi) vừa kết thúc nhưng vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng người xem những chất giọng ngọt ngào mà đầy nội lực. Một sân chơi lành mạnh, bổ ích vừa giữ được nét văn hóa đặc sắc của xứ sở bản Dạ cổ hoài lang, vừa nhằm phát hiện, bồi dưỡng những tiếng hát triển vọng để bổ sung cho các chương trình giải trí trên sóng của đài và cho tỉnh nhà…, hội thi đã đáp ứng được những yêu cầu đó.
Gần 100 thí sinh đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng góp mặt, tạo nên sân chơi đầy hứng khởi trong hội thi lần này. Vòng chung kết xếp hạng đã “sắc kẹo” còn 7 gương mặt xuất sắc nhất, và họ đã cống hiến cho khán giả Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung những tiết mục “đáng để xem”! Nhạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Hoàng Bửu, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo hội thi, bày tỏ niềm vui: “Tuy đã đồng hành cùng Bạc Liêu ở nhiều hội thi về âm nhạc như thế này, nhưng hội thi năm nay làm tôi rất vui và xúc động. Đa phần các thí sinh đều là những giọng ca tự do, chưa được đào tạo chính quy, nhưng các bạn đã có những màn trình diễn gần như là chuyên nghiệp”.
Có nhiều điểm mới đã tạo nên ấn tượng trong hội thi. Đó là số lượng thí sinh ngoài tỉnh chiếm khá đông. Đây cũng là động lực và là yếu tố cạnh tranh lành mạnh để thí sinh Bạc Liêu trau dồi kỹ năng cũng như nhiệt huyết hơn nữa mới có thể khẳng định mình. Một điểm mới khác tạo nên sức hút, làm cho hội thi năm nay trở nên “dễ đón nhận” hơn chính là đề tài khá phong phú. Theo nhận định của Ban tổ chức, những lần thi trước đa phần các thí sinh chuộng dòng nhạc "đỏ" để thể hiện khả năng và “khoe” giọng của mình. Nhưng đến với hội thi năm nay, “khẩu vị” âm nhạc được thay đổi khiến cho nội dung của hội thi trở nên phong phú hơn. Khán giả có cảm giác mình có cái để xem hơn, thay vì cứ chìm đắm vào những giai điệu kiểu nhạc thính phòng. Chất liệu trữ tình, dòng nhạc Bolero được các thí sinh ưa chuộng và chọn những bài hát phù hợp với chất giọng mình để chinh phục Ban giám khảo và khán giả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam (phải) và đại diện Ban tổ chức trao giải Nhì cho thí sinh Lưu Thị Ánh Hồng (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: N.V
Thí sinh Nguyễn Thanh Dung (tỉnh Sóc Trăng) hoàn toàn xứng đáng đoạt giải cao nhất khi khoe hết chất giọng đầy nội lực trong cả hai phần thi ca khúc tự chọn và bắt buộc. Sự pha trộn giữa chất opera nhưng vẫn đong đầy chất trữ tình, làm cho phần thi của Thanh Dung nhận được sự tán thưởng của khán giả. Cô gái đến từ Trường đại học Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) - Lưu Thị Ánh Hồng cũng xuất sắc chinh phục Ban giám khảo và người xem bằng giọng ca ngọt ngào ở cả hai phần thi, và mang về cho mình giải Nhì. Bên cạnh những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, hội thi còn ghi nhận nhiều giọng ca đầy “chất rock” làm phong phú thêm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả nhiều hơn. Đó là Châu Đình Thà (tỉnh Đồng Tháp) với ca khúc “Đi tìm bóng núi”, Nguyễn Kiều Nghi (tỉnh Bạc Liêu) với “Niềm vui trên biển”… Sức hút của hội thi còn được ghi nhận ở chỗ nhiều khán giả ngoài tỉnh không ngại đường xa đến Bạc Liêu để cổ vũ cho người thân, bạn bè. Chị Trần Thị Việt Xô (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi là đồng nghiệp của thí sinh Khưu Nhật Khánh. Đồng hành cùng bạn ấy từ những vòng trước, nên biết Khánh vào vòng chung kết xếp hạng thì tôi và gia đình luôn ở bên cạnh để cổ vũ cho bạn”.
Mỗi thí sinh hay ca sĩ đều có thế mạnh riêng. Nhạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Hoàng Bửu cho rằng: “Có thí sinh hát dân ca truyền thống hay, nhưng hát nhạc đương đại thì không tốt bằng và ngược lại. Cho nên, mỗi giọng sẽ “hợp gu” với một dòng nhạc. Phần thi tự chọn là phần để thí sinh khoe hết khả năng, còn phần thi bắt buộc thì nghiêng về may mắn hơn. Chính điều này sẽ tìm ra được thí sinh xuất sắc nhất”.
Nhạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Hoàng Bửu cũng chia sẻ thêm: “Để hội thi những lần tiếp theo diễn ra thành công, tôi muốn nhắn nhủ với các thí sinh rằng việc chọn bài hát là cực kỳ quan trọng. Chọn bài hát làm sao phù hợp với chất giọng, với khả năng sáng tạo của mình thì mới có thể chinh phục được mọi người. Riêng về khâu tổ chức, nhìn chung tôi đánh giá cao Bạc Liêu đã tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh và ngày càng tiến dần đến sự chuyên nghiệp. Hội thi như một hành động thiết thực mà Đài PT-TH Bạc Liêu nói riêng, tỉnh nói chung trong việc chung tay gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của quê hương, dân tộc”.
Ngọc Trân
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Luật BHXH 2024: Người từ 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí