Văn hóa - Nghệ thuật
Giữ hồn Trung thu
Bước vào tháng 8 Âm lịch, khắp phố phường đi đâu cũng bắt gặp những gian hàng bán bánh và lồng đèn đầy màu sắc báo hiệu một mùa Trung thu lại về. Bên cạnh những chiếc đèn điện tử thì những gian hàng bán lồng đèn giấy kiếng truyền thống vẫn thu hút nhiều người. Trong ký ức của nhiều người, chiếc lồng đèn giấy kiếng có lẽ là hình ảnh đáng nhớ nhất.
Gia đình chị Phan Dương Xuân Nguyệt (Phường 7, TP. Bạc Liêu) đã có 3 đời làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống. Chị Nguyệt bộc bạch: “Làm lồng đèn rất cực, tốn nhiều công sức, nhưng do muốn giữ lại nghề gia đình và yêu thích với chiếc lồng đèn truyền thống nên mới cố gắng làm nghề”. Mỗi chiếc lồng đèn thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ. Khó nhất là khâu uốn nan tre tạo hình bởi vì khung có đều thì chất lượng sản phẩm làm ra mới đẹp. Sau đó là đến công đoạn vẽ, trang trí lên sản phẩm, thu hút trẻ em hay không phần lớn dựa vào công đoạn này. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, giờ đây ngoài những mẫu truyền thống như bướm, cá, gà, ông sao, chiếc tàu..., chị còn sáng tạo nhiều mẫu mới, đa dạng kích cỡ từ những nhân vật hoạt hình truyện tranh như Đô-rê-mon, siêu anh hùng, Pikachu... thu hút sự chú ý của trẻ và tăng thêm sự lựa chọn cho người mua.
Chị Nguyệt bên những chiếc lồng đèn truyền thống tự tay làm. Ảnh: H.T
Những năm gần đây, do nhiều người muốn tìm lại hình ảnh đặc trưng quen thuộc của cái tết Trung thu xưa nên đã quay lại với những chiếc đèn khung tre giấy kiếng truyền thống. Mỗi Trung thu, chị có thể bán 900 cái lồng đèn các loại, từ đó gia đình chị có thêm động lực gắn bó giữ nghề truyền thống gia đình. Để lan tỏa tình yêu lồng đèn giấy kiếng, chị Nguyệt còn mở một kênh YouTube hướng dẫn mọi người có thể tự làm chiếc lồng đèn.
Tuy những chiếc lồng đèn điện tử chiếm ưu thế trên thị trường nhưng lồng đèn truyền thống vẫn có chỗ đứng bởi những đặc trưng riêng. Gần đây nhiều người bắt đầu tìm mua những chiếc lồng đèn truyền thống một phần vì muốn gợi lại những kỷ niệm của bản thân, phần muốn con mình cũng có những ký ức tuổi thơ đáng nhớ. Đốt đèn chơi trung Thu để tạm rời xa màn hình điện thoại, tivi trải nghiệm cuộc sống. Đây là tín hiệu đáng mừng và cần được khuyến khích, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến việc định hướng con trẻ tìm hiểu, gìn giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Ngoài việc học qua sách vở thì để trẻ tự trải nghiệm sẽ giúp trẻ ghi nhớ và khơi gợi hứng thú tìm hiểu kiến thức mới.
Trung thu là dịp bỏ qua những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Cùng nhau đốt đèn, phá cỗ cũng làm tăng sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Khi đó, lồng đèn truyền thống với ánh nến lung linh hòa cùng tiếng cười trẻ nhỏ cũng là “người” giữ hồn Trung thu.
Thanh Mai
- Xóa nhà tạm, nhà dột nát – Chủ trương của lòng dân!
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thảo luận về Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quốc tịch Việt Nam
- Tổng kết Dự án tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái nông nghiệp tại Bạc Liêu
- Thí điểm đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trên Zalo và bệnh án điện tử
- Công trình ứng dụng ảnh viễn thám giám sát điện gió của Bạc Liêu đạt giải thưởng quốc gia