Gia vị

Thứ Tư, 21/09/2016 | 16:19

Chú Sáu dầm trái ớt hiểm trong chén nước chấm, ngừng tay, ngước nhìn ra phía bờ sông. Chiếc xe máy vừa qua khỏi cụm trâm bầu, chút khói bụi còn lơ thơ trên mặt lộ. Chú quay qua cửa sổ hỏi: “Lúc nãy, ai đi xe trên lộ vẫy tay phía nhà mình, hả?...”. Út nói: “Cô Tư Hiền về đó mà, cha nhìn không kịp sao?...”.
Chú Sáu kêu “trời” tiếng nhỏ xíu trong cổ họng rồi tiếp thêm hai tiếng nữa lớn hơn “vậy sao?”... Chú chực nhớ bữa rước dâu đám gả Hiền bao nhiêu năm rồi. Có lẽ là đám rước dâu bằng xuồng cuối cùng trong xóm trước khi con lộ được đắp bồi cạnh bờ sông sau ngày thống nhất đất nước. Đám rước dâu của Hiền qua con lung này, bằng xuồng ba lá những ngày lúa ngậm sữa trên đồng. Ngày Hiền lấy chồng, cũng tầm nhìn này, trước nhà chú, nơi doi đất nhô ra con lung nhỏ. Bữa đó, xuồng đưa, rước dâu chống qua khúc quanh cạn xèo, nhúc nhích từng chút như chẳng muốn rời đi. Chú nhớ màu những chiếc áo bà ba, nón lá, dù hoa, tiếng cười nói rộn rã khúc sông quê.

Chú Sáu từng nhìn bao nhiêu đám rước dâu qua khúc lung này. Không hiểu sao bữa đó, chú nhìn chiếc xuồng đầu tiên đến khi chiếc xuồng sau cùng khuất khỏi khúc quanh, sao mà nó lâu bằng cả một đời người. Chú đứng sau bụi bình bát cằn cỗi nhìn từng chiếc xuồng qua, lòng chú Sáu lúc đó chữ nghĩa nào viết ra cho xuể. Với Hiền, chú không còn nữa những buổi cấy gặt, gọi tên nhau í ới trên đồng. Không còn bữa cơm vội vàng trên bờ ruộng những ngày mưa, hai đứa đội đầu chung tấm áo cao su, vừa ăn vừa nhìn giọt mưa thi thoảng rơi giữa hai người từ hai mái đầu đẫm nước. Khoảng giữa hai người là những nụ cười khi bất chợt nhìn nhau. Một lần, bặm gan chú nói với Hiền: “Có khi nào tụi mình ăn cơm chung kiểu này đến suốt đời không, hén?”. Sau cái liếc mắt rất duyên là một câu quen thuộc: “Hổng dám đâu!”… Ở nhà nói làm ruộng cực khổ, bữa cơm chẳng được yên thân, nhưng phút giây đó là niềm vui lặng thầm khó tìm được trong cuộc đời cơ cực ấy.  
Còn bao kỷ niệm của chú Sáu và Hiền qua những trò chơi dân dã, chiều thả diều, hay lúc đi kiếm cá, hái rau… Hồi đó thì không để ý lắm, chớ lúc xuồng rước dâu ngang qua rồi chú lại nhớ như in những ngón tay thon dài nâng vành nón lá. Nhớ cái liếc mắt, nụ cười và cụm từ “hổng dám đâu”… của Hiền. Đám cưới của Hiền lúc ngang qua con lung nhỏ đã đi ngang qua cuộc đời chú Sáu.
Chú nghĩ, phải chi hồi đó có con lộ như bây giờ. Để đám rước dâu của Hiền đi bằng xe máy, vèo qua một cái, mất hút, chắc đã nhẹ lòng hơn… Chuyện bao năm rồi, không biết sao cứ nhớ hoài, nằm trong bụng để làm nỗi buồn. Không gian này, ngẫm mà nhận ra đời mình có bao điều không toại nguyện.
 ***
Ban đầu do dầm mưa hoặc trầm mình dưới nước buổi sáng sớm nên lạnh, mỗi khi về chú Sáu nhóm một bếp mẻ un. Vừa hơ tay chân, sẵn nướng cá, lươn hoặc rắn, rùa đổ lọp làm mồi, uống vài ly rượu cho ấm, riết thành quen. Chú Sáu dùng chữ quen chớ không nói là ghiền. Chú đóng cái sạp nhỏ trước hàng ba cặp cửa sổ nhà là nơi diễn ra thói quen ấy hàng ngày của chú. Chỉ là tấm ván xuồng cũ trên mấy cọc cây chà là. Cặp vách là mấy keo chao nhỏ đựng gia vị, mỗi thứ một ít để chú nêm nếm thức ăn của mình. Bữa cơm của chú đơn sơ, thuần một món nướng. Chú ăn ít, một mình đúng hương vị mà chú thích. Chút muối, chút đường, bột ngọt, mắm tép, tỏi gừng, chanh tắc, ớt hiểm, nước mắm đồng, nước mắm biển, dấm, bần chín… Cái sạp nhỏ rộng tầm nhìn ra mặt lộ, nơi nhìn ra con lung giờ đã cạn xèo nhưng chưa bao giờ phai mờ trong lòng chú. Thi thoảng nhìn con lung vắng lặng, lại nhớ cụm từ hổng - dám - đâu!... chú cười thầm và an ủi với lòng, đó đâu phải là lời từ chối.
Mỗi ngày, trời chưa sáng chú mang hai cái rộng và cây mác vót, vài sợi dây choại, dây lạt xuống xuồng đi giở lọp, lờ, thăm câu chọt, câu giềng. Ngày trước tôm cá nhiều, chú để riêng ra. Cá loại lớn, còn mạnh chú rộng riêng để bán cho vựa. Rộng thứ hai là cá cho gia đình ăn trong ngày. Lại còn cái rộng riêng đựng rùa, rắn, hay cá ngộp làm khô… Mỗi cữ chú đi một, hai tiếng đồng hồ. Về đến nhà, ra bờ ao, tắm giặt xong là chú đến cái sạp trước hàng ba, nhóm mẻ un chờ than đượm. Chú gác miếng vỉ nướng lên và bắt đầu nướng mồi nhậu. Khi là rùa, là rắn, có bữa chỉ vài con cá chốt hay con cá rô mề, cá bông, cá lóc…
Điệu nghệ là lúc chú Sáu tẩn mẩn làm món nước chấm. Tùy theo thức ăn, bữa thì mắm tôm giã nát thêm miếng gừng, miếng ớt, chút chanh. Bữa muối ớt, muối tiêu nặn chanh, bữa nước mắm dầm bần ổi chín… Lúc đi thăm lọp, thăm lờ, trên đường chú ngắt mấy đọt chùm ruột, đọt lụa, đọt xoài, đọt ổi, đọt cơm nguội… hay vài lá rau thơm có sẵn bên chái nhà bỏ vô túi áo bà ba, nên bữa rượu của chú Sáu thêm hương sắc. Thi thoảng có mồi ngon, chú Sáu kêu đứa này, đứa kia uống với chú vài ly cho có bạn. Vui mấy chú cũng không uống nhiều, đến ly thứ hai, mồi sắp cạn thì bới một chén cơm để dằn bụng, là xong một bữa. Bữa rượu có phần cầu kỳ nhưng làm chú thấy cuộc sống bớt tẻ nhạt ở nơi xa xôi, hiu quạnh. Nơi mà niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và ước mơ gần gũi và giản đơn như mưa nắng mỗi mùa. 
Cái sạp trước hàng ba, nơi bao nhiêu năm chú Sáu ngồi nhìn quang cảnh đó mỗi ngày, quen thuộc. Bây giờ, con lộ mới, những lượt xe ngang qua như hồi sáng này, chưa kịp ngước lên đã mất hút gợi trong lòng chú điều gì đó hối hả trong cuộc sống phía trước rộng mở, thênh thang. Phải chăng, cách nhìn nhận cuộc đời như phần gia vị cần thiết trong cuộc sống mà chú Sáu vừa nhận ra mình đã thiếu tự bao giờ…
Tháng chín, hai ngàn mười sáu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.