Văn hóa - Nghệ thuật
Dư âm từ lễ hội Dạ cổ hoài lang
Lễ hội Dạ cổ hoài lang (DCHL) 2016 của tỉnh Bạc Liêu đã khép lại. Đánh giá ở góc độ là lễ hội cấp tỉnh thì với những hoạt động lễ và hội phong phú được chuẩn bị chu đáo và thực hiện chỉn chu, đây là một lễ hội thành công! Tuy nhiên, xét ở góc độ là một lễ hội văn hóa du lịch tham gia Năm Du lịch quốc gia thì có ý kiến cho rằng sự thành công ấy chưa như mong đợi…
Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” là sự kiện có quy mô cấp quốc gia, các hoạt động có tính chất quốc gia và quốc tế chủ yếu được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, ngoài ra còn được tổ chức tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL và Hà Nội, TP. HCM, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Có 14 sự kiện do Bộ VH-TT&DL chỉ đạo hoặc phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương tổ chức; 13 hoạt động do Kiên Giang tổ chức và 38 hoạt động do các tỉnh đồng tổ chức. Xuất phát từ tính chất lễ hội đặc trưng của địa phương, lễ hội DCHL xứng đáng là đề cử đầu tiên (cũng là duy nhất) để Bạc Liêu có mặt trong những sự kiện của Năm Du lịch quốc gia! Bạc Liêu đã tổ chức thành công lễ hội đó trong những ngày vừa qua với những tiềm năng, nguồn lực và hơn cả là tấm lòng tri ân của người Bạc Liêu đối với những thế hệ tiền nhân - thông qua lễ hội này!
Một tiết mục văn nghệ tại buổi khai mạc lễ hội Dạ cổ hoài lang 2016. Ảnh: H.T
Xin trích dẫn đánh giá của ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội: “Thông qua các hoạt động trong chương trình lễ hội đã góp phần quan trọng để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc; động viên, khích lệ các nghệ sĩ, nghệ nhân nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng phát huy sáng tạo từng bước làm cho nền văn hóa truyền thống của tỉnh nhà ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc”. “Truyền thống” ở đây là truyền thống văn hóa - nghệ thuật phong phú của những lớp tiền nhân đã dày công sáng tạo và trao truyền những thành tựu cho hôm nay; là truyền thống của lòng tri ân đầy nghĩa tình của cốt cách văn hóa Bạc Liêu, thể hiện rất đậm nét qua từng phần việc: một lễ giỗ Tổ trang nghiêm tại Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu, một buổi lễ thắp hương thành kính, một chương trình khai mạc với đủ cung bậc cảm xúc qua từng tiết mục văn nghệ do người trẻ hôm nay đảm trách bằng tài năng và hơn cả là tấm lòng dành cho những bậc thầy - tiền bối! Và “gìn giữ và không ngừng phát huy sáng tạo nền văn hóa truyền thống” chính là những liên hoan, hội thi tìm hiểu về bản DCHL, mở rộng hơn là nghệ thuật Đờn ca tài tử, hò chèo ghe, nói thơ Bạc Liêu… Nhìn từng thành viên tham gia với đủ thành phần, lứa tuổi đang hóa vai “thí sinh” đi thi, có người cũng chưa hẳn là đủ kiến thức để thi tài, nhưng vẫn tự tin tham gia vì mục đích chính là giao lưu, học hỏi để tự dung nạp sự hiểu biết về những loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích, chúng ta tự hào rằng thế hệ kế thừa còn đó và niềm đam mê văn hóa dân tộc như một dòng chảy chưa bao giờ ngừng lại…
Một vấn đề khác, tham gia Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL, lễ hội DCHL của Bạc Liêu đã “thu” được gì ở góc độ du lịch? Ở góc độ thu hút khách du lịch, thẳng thắn mà nói, lễ hội chưa thu hút du khách đến Bạc Liêu một cách đột biến, đó là câu trả lời của một số công ty du lịch Bạc Liêu. Trong khi mục đích của việc tổ chức các hoạt động tham gia Năm Du lịch quốc gia là “Để tạo ra sự đột phá cho du lịch, đạt được hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo đà cho du lịch các địa phương phát triển nhanh trong thời gian tới”. Tuy nhiên, cần hiểu rộng hơn, “tạo sự đột phá cho du lịch” không đồng nghĩa với sự thu hút du khách ở thì hiện tại ngay trong lễ hội, mà nên tự tin hy vọng đón thành quả ở tương lai từ những lễ hội như thế này! Có thể, du khách chưa tìm về Bạc Liêu nhân lễ hội, nhưng nên có niềm tin rằng: nhờ việc tổ chức lễ hội, bè bạn sẽ về với Bạc Liêu, từ những “thông điệp” Bạc Liêu đã gửi gắm vào lễ hội.
Ngay ở chủ đề “Khám phá đất phương Nam” của Năm Du lịch quốc gia 2016 đã ngụ ý rằng: hãy tìm về đất phương Nam để khám phá, hiểu biết và yêu hơn vùng đất cực Nam Tổ quốc này. Vậy thì lễ hội DCHL với những hoạt động phong phú tôn vinh một loại hình nghệ thuật đang ngày càng được yêu chuộng, đó phải chăng là giá trị tinh thần vô giá xứng đáng để người ta tìm về để khám phá, hiểu biết và yêu hơn đất và người Bạc Liêu, giống như hiệu ứng tích cực mà Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 mà chúng ta đã từng làm được?
Cẩm Thúy
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh