Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu: Nỗ lực phát huy giá trị nghệ thuật Dù kê

Thứ Tư, 03/01/2018 | 16:13

Từ năm 2007 đến nay, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã dàn dựng 10 vở dù kê. Đó là con số khá ấn tượng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay của công tác bảo tồn nghệ thuật Dù kê - một loại hình sân khấu dân tộc của đồng bào Khmer Nam bộ, “món ăn tinh thần” không thể thiếu của bà con.

Trên đường trở thành di sản
Đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa và lực lượng chuyên nghiệp viết kịch bản ví như “tre đã già mà măng chưa mọc”, đó là hai khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của sân khấu Dù kê. Đây cũng là hai trong nhiều lý do khiến tiến trình lập hồ sơ trình UNESCO đề cử nghệ thuật Dù kê là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại còn nhiều vướng mắc!
Tại một hội thảo khoa học về nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ, vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất là sân khấu Dù kê đang thiếu trầm trọng đội ngũ soạn giả chuyên nghiệp. Những năm gần đây, sân khấu Dù kê truyền thống ngày càng thiếu vắng kịch bản hay, từ thiếu dẫn đến yếu - những kịch bản kém về nội dung - là điều tất nhiên. Phần lớn kịch bản vẫn sáng tác theo lối mòn, theo mô-típ thiện thắng ác, những mối tình mang màu sắc cổ tích, huyền thoại; nhiều vở diễn lại nặng về nội dung và chủ đề tư tưởng, nặng về tính giáo dục mà chưa thật sự chú ý đến mục đích giải trí và nhu cầu nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả thời hiện đại.
Một đội ngũ diễn viên trẻ kế thừa luôn là yếu tố quyết định cho bất kỳ loại hình nghệ thuật nào trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị, sân khấu Dù kê cũng không ngoại lệ! Người diễn viên đến với nghệ thuật Dù kê hầu hết xuất phát từ niềm đam mê, giống như người mộ điệu theo nghiệp cải lương Nam bộ cũng bằng niềm đam mê là chính! Thế nhưng loại hình nghệ thuật này vẫn chưa thể nuôi sống được niềm đam mê của diễn viên, nghệ sĩ. Các đoàn nghệ thuật của từng tỉnh, thành phố hoạt động dựa vào kinh phí của Nhà nước là chủ yếu, nên việc giải quyết các chính sách ưu đãi đội ngũ diễn viên còn gặp nhiều khó khăn. Đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp để kế tục nghệ thuật truyền thống lại là một vấn đề nan giải khác, không riêng ở tỉnh, thành phố nào, khi chúng ta chưa có một trường chuyên nghiệp đào tạo loại hình này.
Con đường trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận quả còn lắm chông gai!

Một cảnh trong vở dù kê “Tiếng sáo chung tình”. Ảnh: C.T

Những nỗ lực của Bạc Liêu
Bạc Liêu không nằm ngoài những khó khăn chung của thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê của các tỉnh, thành Nam bộ. Cho nên, con số 10 vở dù kê dàn dựng được từ khi thành lập Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer đến nay thật sự là một kết quả đáng ghi nhận! Nghệ sĩ Thạch Si Phol - nguyên Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer Bạc Liêu, “người anh cả” của phong trào văn nghệ Khmer trong tỉnh, cho biết: “Ngay từ khi còn ở quy mô là Đội Thông tin văn nghệ Khmer, chúng tôi đã có ý thức phải gìn giữ nghệ thuật Dù kê trên sân khấu truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, bởi đây là “món ăn tinh thần” của đồng bào, phản ánh sâu sắc đời sống - xã hội thông qua nghệ thuật, đồng thời góp phần giáo dục chân - thiện - mỹ. Chúng tôi tiến hành đào tạo đội ngũ biểu diễn nghệ thuật Dù kê kể từ đó, các diễn viên trẻ trong đoàn rất cố gắng gìn giữ loại hình này. Các em khá trẻ, nhưng biểu diễn rất tốt và đó chính là những người góp phần gìn giữ hồn cốt của Dù kê Khmer Nam bộ”.
Nói về việc đào tạo, hiện nay cả nước chưa có trường dạy chuyên ngành nghệ thuật Khmer để đào tạo phương pháp nghệ thuật cũng như tổng hợp các hình thức nghệ thuật phục vụ công tác đào tạo chính quy, bài bản. Thế nên, công tác giảng dạy ở Bạc Liêu cũng chỉ dừng lại ở việc truyền nghề, người biết dạy cho người chưa biết, tất nhiên phương pháp dạy truyền nghề, truyền khẩu, truyền món như thế ít nhiều sẽ bị mai một đối với bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Theo anh Lâm Thế Hiệp, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu thì một năm đoàn được giao chỉ tiêu thực hiện 3 chương trình ca múa tổng hợp và dàn dựng 1 vở dù kê. Các diễn viên kiêm nhiệm nhiều công việc, từ ca múa đến thuần thục những vai diễn trong nghệ thuật Dù kê, đó là một thách thức lớn, vì anh em đa số đều không được đào tạo chính quy, bài bản. 
Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu vẫn đang miệt mài với nhiệm vụ gìn giữ một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đồng bào dân tộc Khmer. Những suất diễn vào mùa khô của đoàn đến các vùng sâu, vùng xa, ở các lễ hội vẫn luôn thu hút đồng bào đến xem nhiệt tình, những vở diễn hay trích đoạn Dù kê vẫn đủ sức hút khiến khán giả dõi mắt xem đến phút cuối, đó chính là động lực để đoàn tiếp tục phát huy vai trò sứ giả gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo trước ngưỡng cửa trở thành di sản của nhân loại. 
Liên hoan Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ I - năm 2013, với vở “Truyền thuyết vua thần”, Bạc Liêu đoạt 2 huy chương cá nhân (Hiệu Thị Liên đoạt huy chương Vàng và Thạch Thia đoạt huy chương Bạc). Vở Dù kê “Tiếng sáo chung tình” (kịch bản Thạch Sô Van Nên, đạo diễn Đặng Thanh Nga) được đoàn dàn dựng công phu, nhiều nét cách tân để sân khấu Dù kê hòa nhập nhịp sống đương đại mà vẫn giữ được nét đẹp thuộc về truyền thống. Tin rằng, những nỗ lực của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu sẽ được ghi nhận ở Liên hoan Sân khấu Dù kê lần thứ II sắp tới.
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.