Đỗ Ngọc Cần: Tiếng đờn kìm gắn chặt cuộc đời

Thứ Tư, 08/05/2019 | 16:59

Chiếc nôi gia đình theo dòng nhạc lễ truyền thống đã nuôi nấng và tạo nên một Đỗ Ngọc Cần ngày hôm nay. 4 đời ông cha theo dòng nhạc lễ, hát bội, đã chảy suốt trong dòng máu của cô đào nguyện mang tiếng đờn kìm gắn chặt vào đời mình. Tiếng đờn vang xa, đưa cô bé Cần tóc tết bím năm nào trở thành nữ danh cầm được giới đờn ca tài tử nể phục tài năng, là “báu vật” của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. 
Nắn nót từng chữ đờn, nhấn như thế nào cho có hồn mới nâng tiếng ca của người nghệ sĩ. Đó mới gọi là nghệ nhân đờn lành nghề và chuyên nghiệp. Hơn 30 năm gắn đời mình với tiếng đờn kìm, Ngọc Cần đã thỏa tâm nguyện của mình, trở thành nghệ nhân đờn điêu luyện. 

Danh cầm Ngọc Cần. Ảnh: N.V

Cùng cha thả tiếng đờn trên những dòng sông…
Tuổi thơ của cô bé Ngọc Cần vào năm lên 9 là những ngày theo cha rong ruổi trên những dòng sông đi sên sình, chở củi, làm thuê đủ thứ nghề để mưu sinh. Như kiểu sống thương hồ, ban ngày làm lụng, ban đêm thả hồn mình trên sông, nhờ gió đưa tiếng đờn bay xa. Rồi trên những nhánh sông quen thuộc, ghe nối đuôi nhau ngày một nhiều để giao lưu tiếng đờn ca. Ngọc Cần có cơ hội trau dồi nghề từ dạo ấy. 
Nữ tài tử nhớ lại, “Lúc nhỏ cầm được cây đờn là mừng húm, được lên dây đờn là thỏa niềm đam mê. Nhưng đam mê là một chuyện, đờn được hay không là chuyện khác. Mấy chú lớn tuổi ở những đám tiệc cha đưa tôi đi cùng, bảo không cho con nhỏ này đờn nữa vì… nó lên dây đờn lạt nhách. Ông nội cú u đầu hoài vì đờn không ngay ý ông. Buồn trong lòng, tôi quyết phải cố gắng bằng được để mọi người công nhận khả năng của mình”. Đó là những lần theo cha đờn ở đám tiệc, có khi tận 4 - 5 giờ sáng mới băng đồng về nhà. Trên vai cha là chiếc đờn kìm, sau lưng là cô con gái nhỏ với cháy bỏng ước mơ trở thành nghệ nhân đờn thành danh. Vậy là, cứ mày mò tự học trong những lần theo cha đi đờn ở đám tiệc, Ngọc Cần đã dần chinh phục mấy ông, mấy chú và người cha truyền nghề cho mình. 
Trong một lần đi cắt lúa mướn với cha, nghe radio thông báo Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh có tổ chức cuộc thi đờn ca tài tử, cha của Cần đã bỏ hết công việc, vay tiền khăn gói dẫn chị lên TP. Hồ Chí Minh dự thi. Năm đó, Ngọc Cần 16 tuổi. 

Nắn nót cho phím đờn vang xa…
Năm 1997, tỉnh Minh Hải chia tách thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Sau vài năm gia nhập Đoàn cải lương Hương Tràm, Ngọc Cần đã đi theo tiếng gọi quê nhà, trở về gia nhập Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Chị gắn đời mình ở đây từ bấy đến giờ. Những đêm dầm mưa, ngồi bị muỗi chích hay thời tiết khắc nghiệt, nhưng cứ cầm chiếc đờn lên là chị quên hết mệt nhọc. Ngọc Cần tâm sự: “Giống như Tổ nghề đãi tôi vậy. Mỗi ngày không được đờn bài nào là tôi thấy bứt rứt trong người, cầm được chiếc đờn thì thấy khỏe. Hay mấy đứa em ca trật nhịp, tôi cũng buồn trong lòng. Vậy là nắn nót từng phím, sửa từng câu để các em ca tốt hơn, ngọt hơn”. 
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có bản nhạc lòng bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, Ngọc Cần lấy đó làm nền tảng. Năm 2008, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu đưa chị ra Nhạc viện Hà Nội tham gia cuộc thi để nâng cao tay nghề cho chị. Không phụ lòng mọi người, chị đã mang về giải A độc tấu bản “Dạ cổ hoài lang” hay nhất. Trong suốt 30 năm cầm chiếc đờn kỷ vật, Ngọc Cần không nhớ hết số giải thưởng mình có, chỉ còn đọng lại trong nữ nhạc công đặc biệt trong làng cải lương này chính là tình thương của khán giả. Ngọc Cần bộc bạch: “Nếu nói không cần huy chương, giải thưởng là không đúng. Nhưng tôi đã nguyện với lòng, được hành nghề trong vòng tay yêu thương của khán giả mới là niềm hạnh phúc trọn vẹn. Bởi, có bao nhiêu danh xưng trang trọng mà khán giả không nhớ, không trân trọng mình thì những cách gọi như nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân… chỉ là hư danh mà thôi”. 
Hiện chị đang truyền nghề cho một em 13 tuổi, một em 15 tuổi. Học trò của chị cũng là thế hệ nối nghiệp đời thứ 5 của gia đình Ngọc Cần. Nguyện vọng của chị là dù cực khổ cỡ nào cũng nắn nót phím đờn, được đưa tiếng đờn mình đến với khán giả, giữ mãi bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Với chị, bấy nhiêu là mãn nguyện!
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.