Văn hóa - Nghệ thuật
Đi xem cải lương cuối tuần...
Nam Bộ là “cái nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử và cũng là nơi sinh ra cải lương - một loại hình nghệ thuật gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu - vùng đất được mệnh danh là đất tài tử, đất cải lương - vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, cải lương qua rồi thời hoàng kim. Thế nhưng, tôi cũng kịp giữ lại cho mình những kỷ niệm tuổi thơ gắn với loại hình nghệ thuật này.
Cải lương với tôi dần trở thành một loại hình nghệ thuật quen thuộc, bởi dù muốn dù không, đã gắn liền một cách tự nhiên với nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dù không mê nhưng những tiếng đờn lời ca đã ăn sâu vào tâm trí tôi như một phản xạ vô điều kiện. Rồi tôi bước vào đại học, rời quê hương để lên TP. Hồ Chí Minh học tập. Càng ngày tôi càng nhận ra nét đẹp văn hóa Nam Bộ đã thấm vào tâm trí tôi tự lúc nào, nhất là khi thấy những ấn phẩm, chương trình của trường nói về văn hóa Nam Bộ; và lòng tôi tràn đầy sự tự hào khi mình là người con miền Nam.
Vở cải lương “Phạm Lãi biệt Tây Thi” do Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng và biểu diễn. Ảnh: Nhật Quỳnh
... Khi trở về Bạc Liêu, tôi lại có dịp đi xem cải lương, nhưng lần này rất khác với những lần xem hồi tôi còn thơ bé. Ban đầu tôi đi và mang theo suy nghĩ sẽ không có nhiều người đi xem, cho tới khi lần lượt tất cả các dãy ghế của Nhà hát Cao Văn Lầu được khán giả lấp đầy!
Chương trình diễn ra cố định vào thứ Bảy hàng tuần với các vở cải lương được thay đổi liên tục và hoàn toàn miễn phí để phục vụ tất cả mọi người. Tôi được biết chương trình phục vụ nhằm mục đích để người dân tỉnh nhà có nơi thưởng thức cải lương cũng như tìm hiểu loại hình nghệ thuật này và để du khách đến với Bạc Liêu vào dịp cuối tuần có thêm một địa điểm trải nghiệm thú vị. Có thể thấy được sự nỗ lực đưa cải lương đến gần hơn với khán giả của Bạc Liêu, và hình ảnh nhà hát chật kín khán giả đã cho thấy hiệu quả nhất định của chương trình. Khi sân khấu vén màn bắt đầu diễn cảnh đầu tiên, nhìn thấy toàn cảnh sân khấu tôi hiểu được lý do Nhà hát thu hút khán giả. Sân khấu được xây dựng hiện đại, không gian thoáng mát, cảnh trí được trang bị nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng vẫn giữ nguyên những đặc trưng vốn có của cải lương. Từ đó, sân khấu hàng tuần của Nhà hát không chỉ thu hút khán giả lớn tuổi mà còn cả những khán giả trẻ tuổi - thế hệ đóng vai trò bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong tương lai.
Mong rằng tới đây “cải lương cuối tuần” của Bạc Liêu sẽ còn “làm nên chuyện” cho sân khấu cải lương Nam Bộ, sân khấu cả nước nói chung và trở thành một sản phẩm du lịch thu hút mọi người, để du khách cứ đến Bạc Liêu là nán lại một đêm xem cải lương trong Nhà hát Cao Văn Lầu.
THANH MAI
- Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Chủ trương của lòng dân!
- Tổng Công ty Điện lực miền Nam: Hỗ trợ Bạc Liêu 900 triệu đồng thực hiện Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Tuyên dương 22 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025
- Khai mạc Vòng chung kết Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2025
- Khẩn trương chuẩn bị đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập