Để âm nhạc được “chắp cánh”

Thứ Sáu, 02/09/2016 | 16:25

Ngày 3/9/1960, trong một hoạt động văn hóa - nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III thành công tốt đẹp, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huy dàn nhạc hợp xướng cùng với gần 3.000 diễn viên, quần chúng hát bài “Kết đoàn”. 50 năm sau, ngày 3/9/2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chính thức chọn 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam. Đã 6 năm Việt Nam có ngày dành riêng để tôn vinh âm nhạc Việt Nam và cống hiến của những nhạc sĩ, những người tham gia lĩnh vực âm nhạc.
Vùng đất Bạc Liêu, từ trong những năm tháng kháng chiến, một nền âm nhạc cách mạng đã được hình thành từ những nhạc sĩ - chiến sĩ “tay súng, tay đàn” trực tiếp đấu tranh và viết nhạc cổ vũ đấu tranh ngay nơi chiến tuyến! Đó là nhạc sĩ Lê Lương với ca khúc đầu tay “Du kích Tân Hưng Đông” sáng tác năm 1963, được nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam; rồi sau đó liên tục cho ra đời hàng trăm ca khúc, đa số là ca ngợi cách mạng, tinh thần đấu tranh hào hùng của dân tộc: “Tiểu đoàn U Minh”, “Ánh đuốc Hồ Chí Minh”, “Em hát trên đồng đảm đang”, “Quân ta về”… Một nhạc sĩ Thế Phương trưởng thành từ “chiếc nôi kháng chiến” nên những “đứa con tinh thần” của ông luôn đậm phong cách hào hùng cách mạng nhưng vẫn truyền cảm, mượt mà và dễ đi vào lòng người, như “Đêm nay con hành quân”, “Trăng về Cần Thơ”, “Lời ca bông lúa”...; về sau là những khúc hát ngợi ca quê hương thanh bình, giàu đẹp như “Bạc Liêu miền đất tôi yêu”, “Về đất Bạc Liêu”, “Khúc hát quê hương”… Một nhạc sĩ cũng cống hiến miệt mài là nhạc sĩ Thanh Tâm, nhắc đến ông người yêu nhạc nhớ ngay đến những “Nỗi nhớ dòng sông”, “Hát về đất biển quê ta”, “Bạc Liêu ơi”, “Mười năm đất nở hoa hồng”…

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2015 tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Những tên tuổi đã được ghi danh vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam như lớp nhạc sĩ đàn anh kể trên cùng với những Phạm Hoàng Tươi, Phạm Quế Nguyên, Đỗ Tiến Lập, Diệp Phát Văn…, và kể cả đội ngũ sáng tác trẻ, những người chưa có danh hiệu trên con đường hoạt động âm nhạc, chính họ bằng niềm đam mê, năng khiếu bản thân đã, đang và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc Bạc Liêu, góp phần làm cho vườn âm nhạc Việt Nam ngát hương tỏa sắc!
Thế nhưng, nhìn toàn cảnh âm nhạc Bạc Liêu thì còn nhiều trăn trở! Là một nhạc sĩ cũng là người trong vai trò tập hợp phát huy đội ngũ hoạt động âm nhạc của tỉnh, anh Diệp Phát Văn, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc (thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh) cho biết: “Những năm gần đây, sự quan tâm của Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh trong việc tạo những sân chơi âm nhạc như giới thiệu tác giả - tác phẩm, xuất bản những tuyển tập ca khúc, tổ chức kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam hàng năm… đã tạo nguồn động viên tinh thần rất có ý nghĩa để cổ vũ anh em. Đội ngũ đàn anh đã để lại một vốn liếng quý giá về âm nhạc, còn đội ngũ sáng tác hiện nay tuy đa số xuất thân từ phong trào quần chúng, tự học hỏi nhau là chính nhưng bằng đam mê, nhiệt huyết cũng đang góp sức mình để khuấy động phong trào âm nhạc ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, vấn đề “chắp cánh” để tác phẩm bay cao, bay xa thì chưa thường xuyên; đội ngũ qua trường lớp thì hầu hết tham gia công tác giảng dạy, quản lý là chính, ít sáng tác nhạc, trong khi những người yêu thích việc sáng tác thì lại không qua trường lớp. Những sân chơi âm nhạc tuy có nhưng “tầm phủ sóng” chưa rộng để tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người”…
Một thế hệ đang miệt mài cống hiến cho âm nhạc Bạc Liêu tùy theo sức và bằng những cách riêng của mình có thể kể đến như Diệp Phát Văn, Nguyễn Hồng, Lâm Kempeth, Nguyễn Quốc, Ngọc Oai, Duy Khả… Nhưng, nhân lực và tâm huyết, đam mê và năng khiếu chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ! Muốn phát huy những tiềm năng và phát triển phong trào thì rất cần những yếu tố tác động khác, điều quan trọng hàng đầu là “đất dụng võ”, là đầu ra cho các tác phẩm mới. Những sân chơi âm nhạc như phòng trà, sinh hoạt câu lạc bộ, giới thiệu tác giả - tác phẩm hay những ca khúc được in ấn trên tạp chí, tuyển tập ca khúc… vẫn chưa đủ để “phủ sóng” rộng rãi cho những sáng tác mới. Thiết nghĩ, sự phối hợp, liên kết để xây dựng một chương trình giới thiệu ca khúc mới hàng quý, hàng tháng chẳng hạn như trên sóng phát thanh - truyền hình địa phương cũng nên xem là một cách làm để ca khúc Bạc Liêu có đầu ra và được công chúng đón nhận, thẩm  định…
Bạc Liêu là mảnh đất sinh tình, dồi dào cảm xúc để người sáng tác “lăn xả”. Những năm tháng kháng chiến “nếm mật nằm gai”, ta đã có một đội ngũ đàn anh “chắc tay súng, vững tay đàn” gầy dựng nền âm nhạc cách mạng độc đáo, không chỉ góp thành tựu cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động quần chúng thời ấy. Ngày nay, đất sáng tác cho âm nhạc chính là nhịp sống năng động, sự đổi mới, đi lên và vẫn còn đó những hệ giá trị văn hóa dồi dào, rất Bạc Liêu để âm nhạc được chắp cánh. Điều còn lại là những điều kiện cần và đủ mà những người có trách nhiệm và tâm huyết cần nghĩ và làm để chắp cánh cho âm nhạc Bạc Liêu.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.