“Dạ cổ hoài lang” - Trăm năm thổn thức

Thứ Sáu, 09/09/2016 | 17:10

“Âm nhạc ở vùng đất này vang danh đến cả nước. Tên gọi Bạc Liêu đã gắn liền với bản Dạ cổ hoài lang (DCHL)…”. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, một giáo sư dân tộc nhạc học có tên và tiểu sử trong Đại từ điển âm nhạc thế giới “The New Grovo” đã nhận định như thế! Và đúng thật vậy, bản DCHL của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời năm 1919, trải qua gần 100 năm, đã làm cho âm nhạc Bạc Liêu vang danh cả nước với những giá trị tuyệt vời của mình!

Một tiết mục trong lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2014. Ảnh: C.K

Gọi DCHL là “bản nhạc lòng” bởi nhiều người biết rằng đó là tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh éo le “tam niên vô tử bất thành thê” của người vợ hiền nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng sâu xa hơn nữa, nói theo phong cách nghệ sĩ của “cải lương chi bảo” - TS-NSND Bạch Tuyết, thì xung quanh bản DCHL có khá nhiều “nghi án nghệ thuật” mà nhiều nhà nghiên cứu, soạn giả, giới chuyên môn đã tìm tòi, phân tích! Dù ở “nghi án” nào thì ít nhất, chúng ta phải ghi nhớ công trạng của một vị tiền bối, người thầy dù tật nguyền nhưng hết sức tài ba của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Hậu tổ Nhạc Khị (Lê Tài Khí), người đã cải biên bản Nam ai cổ mang tên "Tô Huệ chức cẩm hồi văn" rồi rút ra chủ đề “chinh phụ vọng chinh phu” để hướng dẫn học trò ông sáng tác. Và một trong những sáng tác ấy có bản DCHL của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Sự cộng hưởng cảm xúc chung là nỗi niềm người vợ hiền vò võ trông chồng nơi trận chiến của tích xưa để lại với nỗi niềm riêng nhung nhớ của vợ - chồng vì bị gia phong lễ giáo chia lìa, đã sinh ra “đứa con tinh thần” mang tên DCHL!
Nói về giá trị bản DCHL thì đã có rất nhiều nhận định, ý kiến của giới chuyên môn. Nhân đây, xin trích dẫn lại một nhận định của TS-NSND Bạch Tuyết: “Từ khi khai sinh cho đến nay, bản DCHL ở thời khắc chuyển giao thành bản vọng cổ đã được nhiều nhạc sĩ, soạn giả, nghệ nhân… cải biến trên nền xử lý nhịp. Chất phóng khoáng của những bậc tài tử Nam bộ đã khiến họ không tự bó mình vào những khuôn vàng thước ngọc mà luôn tìm cách sáng tạo cái mới trên nền của những lâu đài hôm qua. Bởi hơn ai hết, chính họ, cảm nhận sự đổi thay kỳ diệu qua từng giọt sương rơi trên luống cày, giọt mồ hôi và máu rướm trên bàn chân khai phá những vùng đất hoang sơ, nơi ấy, âm nhạc cất lên từ sự sống để dưỡng nuôi sức sống không ngừng nơi họ”… Những “bậc tài tử Nam bộ” ấy là ai? Họ là “những nông dân nghèo sống tha phương cầu thực trở thành nhạc sĩ tên tuổi, những thầy thông thầy ký bắt đầu viết nhạc, những nhà sư nhịp chuông mõ cùng với tiết tấu của tiếng đàn, tiếng ca dân tộc” (GS-TS Nguyễn Thuyết Phong). Là vậy đó, mảnh đất giàu nghĩa tình này đã vun bồi những tâm hồn thi vị, dễ mến yêu, dễ xúc động… rồi họ đem những ngọn nguồn cảm xúc ấy gửi gắm vào tiếng nhạc, lời ca. Cho nên, nhắc đến DCHL là nói đến con đường thăng hoa của nghệ thuật và cảm xúc, và đâu chỉ ghi công “người cha đẻ” là nhạc sĩ Cao Văn Lầu mà còn suy tôn những bậc thầy, những đồng môn của ông nữa, đó là Hậu tổ Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Trần Tấn Hưng… Thử hỏi, từ những căn nguyên như vậy, rồi từ cái xúc cảm có thật đầy thổn thức trong từng âm điệu, lời ca thì DCHL và những “hậu duệ” nối tiếp bao giờ mới thôi khiến tim người nghe thổn thức theo mình…
Cùng với nhiều di sản văn hóa Việt Nam được Tổ chức UNESCO vinh danh, cuối năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ đã vinh dự được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại! Sự đóng góp tích cực của nhiều tỉnh - thành phố, trí lực và niềm đam mê vô cùng tận của bao lớp nhạc sĩ, nghệ nhân, nghệ sĩ đã tạo nên thành tựu đáng trân trọng ấy! Vì tiền thân của bản vọng cổ - bản DCHL - nằm trong hành trình tiến bước ngọc ngà của loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, nên Bạc Liêu tự hào đặt DCHL ở một vị trí trang trọng trong khối tài sản văn hóa tinh thần của mình. Một khu lưu niệm với tên gọi “Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu”, một nhà hát bề thế và một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng mang tên người nhạc sĩ ấy…, đó là cách suy tôn người có công, suy tôn một loại hình nghệ thuật độc đáo, thấm nhuần bản sắc dân tộc!
Một hoạt động văn hóa cấp tỉnh mang tên lễ hội DCHL được Bạc Liêu tổ chức vào rằm tháng Tám (kỷ niệm thời điểm nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản DCHL) là nhằm tri ân người nhạc sĩ tài hoa và những người đã có công vun bồi để DCHL trường tồn và thổn thức con tim người mộ điệu. Tham gia Năm Du lịch quốc gia 2016, lễ hội DCHL muốn quảng bá, giới thiệu để thu hút bè bạn gần xa đến với mảnh đất này bằng chính những giá trị tinh thần vô giá mà tiền nhân để lại.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.