Còn đâu cánh chim trời?

Thứ Sáu, 12/05/2017 | 15:47

“Chiều nay, chim về vườn lại vắng hơn. Chắc là “tụi nó” đã dính bẫy, hay bị bắn chết, chưa kể số chim non chưa biết bay cũng bị móc trộm”, ông Ba Cò (tên thật Nguyễn Văn Quân, 68 tuổi, ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) ngậm ngùi khi cố rướn mắt về phía vườn tràm - nơi cư ngụ của đám chim cò. Nghe tâm sự của ông, tôi chợt nghĩ, rồi đây, những cánh chim trời bay lả bay la trong buổi sớm bình minh, lúc chiều hoàng hôn… sẽ còn đâu?!
“Lời hứa” bảo vệ chim trời
Hồi mới về ấp Long Hòa (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) sinh sống, gia đình ông Quân chỉ có vẻn vẹn gia tài là một đồng lầy ngập nước, cây cối mọc um tùm rộng chừng 3ha. Quyết đổi đời trên mảnh đất hoang này, ông cùng cha mẹ bắt tay cải tạo vườn tạp, lên liếp trồng tràm. Năm tháng cứ trôi qua, vùng đồng lầy ngày nào đã hóa thành vườn tràm xanh mịt. Chưa kịp đến kỳ khai thác tràm thì chim cò từ đâu kéo về tá túc. Từ 1 - 2 bầy, rồi cả đám “rủ nhau” về làm tổ, sinh sản mỗi lúc một đông không sao đếm xuể. Nhiều nhất là cò, vạc, còng cọc, điên điển hay quý hơn có chàng bè, giang sen, diệc xám… làm xôn xao cả một vùng. Cũng từ đó, dân trong ấp gọi vui ông Quân là ông Ba Cò. 
Rồi tràm bắt đầu chết dần do chim cò ăn lá, thải phân làm nguồn nước trong vườn đen ngòm. Ông Ba Cò chia sẻ: “Lúc đó, gia đình tôi đứng trước hai lựa chọn: một là chặt cây tràm bán tháo với giá rẻ, hai là giữ vườn tràm và trồng thêm các loại cây khác làm “tổ ấm” cho chim muông. Hơn chục năm nay, dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng tôi không hối hận vì lòng trót hứa sẽ gìn giữ vườn cò, bảo vệ các loài chim hoang dã thì phải làm cho trọn”.
Hay chuyện lão nông Thái Văn Sĩ (ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) dành gần nửa đời người chăm sóc cây rừng, bảo vệ “mái nhà” của chim trời. Cho rằng chim cò chọn đất rừng nhà mình cư ngụ là điềm lành, ông Sĩ quyết không phá một cây đước, bán hay làm thịt dù chỉ một con cò. “Còn nhớ năm 1994, chim ùn ùn về làm tổ trên những khóm đước trong vuông, có lúc lên đến 50.000 - 70.000 con, với hơn 30 loài khác nhau. Kể từ đó đến nay, chim cò thải phân làm trắng xóa rừng đước, nguồn nước trong vuông tôm bị ô nhiễm trầm trọng, năng suất tôm, cua cứ thất thu miết. Chẳng ai ép buộc nhưng gia đình tôi tự nguyện bảo tồn vì yêu chim hoang dã thôi”, ông Sĩ bày tỏ.

Ông Thái Văn Sĩ (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) thăm chim cò trong vườn. Ảnh: H.T

Khi chim trời... kêu cứu
Trời vừa chạng vạng, ông Sĩ lấy xuồng chèo vào rừng đước xem đám chim về tổ. Khẽ dừng xuồng dưới tán một “lão đước”, ông chuyền mắt quanh các cành cây rồi lầm bầm trong miệng: “một, hai, ba...”. Đến những đám đước khác, ông cũng làm thế. Không nói gì nhưng tôi thấy mắt ông buồn, thở một hơi dài nặng trĩu. Tôi hỏi: “Sao chú biết chim cò bao nhiêu con, về đủ hay thiếu mà đếm”. Ông Sĩ nghẹn ngào: “Cũng nhắm chừng thôi nhưng “sống” với tụi nó lâu rồi nên biết chứ. Mấy năm nay, người săn trộm nhiều khiến chim cò hoảng sợ về làm tổ thưa thớt. Có lần, cha con tôi vào rừng thăm rập cua, phát hiện trộm leo cây móc cò non, lấy trứng trong ổ. Chẳng những không bỏ chạy mà chúng còn dọa đánh, đòi phá vuông của tôi”.
Nhưng chuyện đó cũng chưa ăn thua gì với việc săn chim cò ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long). Ông N.V.T, chủ một vườn cò, bức xúc: “Nhớ hôm đó tầm 18 giờ, gia đình tôi đang ăn cơm thì chợt nghe tiếng súng nổ nhiều phát. Nghe tiếng kêu thảng thốt của con chim trúng đạn, nhìn những đàn chim bay hoảng loạn…, tôi xót xa lắm nhưng biết làm gì hơn! Có con gượng sức bay về vườn nhưng cũng gục chết”.
Ngoài những hình thức tận diệt đó, một cách khá phổ biến, hơn để bắt “lộc trời” là dùng bẫy keo, bẫy lưới. Tại khu vực bên ngoài các vườn chim tư nhân ở huyện Đông Hải, huyện Phước Long, TX. Giá Rai…, những người săn chim tìm đủ mọi cách "bày binh bố trận", giăng “thiên la, địa võng” để chờ thu tóm chim trời. Sau khi sa bẫy, chim cò được bày bán nhan nhản trên đường, hoặc đưa vào các quán nhậu. Vào vai khách đi đường, tôi ghé vào một trong nhiều điểm bán chim cò công khai trên tuyến đường thuộc xã Vĩnh Phú Tây. Bà chủ K.H liền mạnh miệng: “Anh muốn mua cò non hay cò già, bao nhiêu con cũng có. Mua nhiều thì em “phôn” cho người đi săn, gom hàng gấp. Ở đây chuyên giao “lộc trời” cho các quán nhậu, hàng tươi - ngon - bổ - rẻ nên đắt như tôm tươi”.
Chắc hẳn, ai cũng sẽ chạnh lòng khi nghe thấy tiếng kêu “két két, két két” thảm thiết của con cò bị vặt trụi lông, cồng cộc sa lưới, hay con diệc trúng đạn. Những tiếng kêu vì đau đớn, hoảng sợ ấy cũng chính là tiếng chim trời đang... kêu cứu!

Mua bán chim cò công khai trên tuyến đường xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long). Ảnh: H.T

Mỏi mòn chờ… dự án
Đáng buồn là từng có vườn chim, vườn cò bị “xóa sổ” vì đời sống kinh tế của chủ vườn khó khăn, vì chưa được hướng dẫn cách bảo vệ và khai thác, vì nạn tận diệt của con người. Và liệu, những vườn chim, vườn cò tư nhân còn tồn tại sẽ “gồng mình” đơn độc tự bảo vệ đến bao giờ?! Ông Ba Cò lắc đầu ngao ngán: “Hơn chục năm trước, lúc cha mẹ tôi còn sống thì tỉnh, huyện đã đến khảo sát hiện trạng và thông báo sẽ quy hoạch khai thác vườn cò phát triển du lịch gắn với bảo tồn các loài chim hoang dã. Giờ tôi cũng gần đất xa trời, song vẫn chưa thấy ngành chức năng xúc tiến, còn chim cò thì vẫn bị tận diệt mỗi ngày, hay bỏ đi nơi khác sinh sống”.
Được biết, việc khai thác du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên đối với vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây), vườn cò Phước Long (thị trấn Phước Long) đã được Bạc Liêu đưa vào chương trình hành động, nghị quyết, quy hoạch phát triển du lịch... từ nhiều năm qua và thời gian sắp tới. Thiết nghĩ, nếu công tác này tiếp tục còn “nằm” trên văn bản, còn là dự án “treo” thì những chủ vườn vẫn phải mòn mỏi chờ đợi, và không biết chờ đến bao giờ? Rồi đây, chim trời sẽ còn bị tận diệt, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và kéo theo đó là những hiểm họa về môi trường sống, thiên nhiên.
Trong tương lai, khu vực ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng sẽ tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu. Do đó, việc bảo tồn những vườn chim, vườn cò có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống trong lành và góp phần phát huy tiềm năng du lịch sinh thái Bạc Liêu.
TRỊNH HỮU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.