Văn hóa - Nghệ thuật
Cô đơn dáng Mẹ…
Cặp bên Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu (phường 1, TP. Bạc Liêu) có một ngôi nhà đặc biệt. Cứ độ xế chiều, người đi đường để ý sẽ thấy một cụ bà ra phía trước cửa nhà, giăng cái võng rồi nằm thả ánh nhìn xa xăm, vô định. Giờ tan học của Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ gần đó, bà cụ thường trở mình ngồi dậy, nhìn từng đám học trò cười nói rôm rả. Những âm thanh ồn ào, náo nhiệt không làm bà cụ khó chịu. Trong căn nhà trống tênh chỉ có bà và một bàn thờ liệt sĩ, thì tiếng ồn của bọn trẻ dường như cũng giúp bà vơi đi nỗi cô đơn… Bà là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Thơi!
Cách đây hơn chục năm trước, tôi biết mẹ Thơi trong phong trào văn nghệ người cao tuổi của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tuổi cao sức yếu, vậy mà hễ Câu lạc bộ Người cao tuổi có tổ chức văn nghệ thì Mẹ luôn hăng hái tham gia, Mẹ cùng chồng là ông Nguyễn Văn Sen luôn có mặt trong những buổi sinh hoạt của người cao tuổi. Bẵng đi một thời gian dài, không thấy Mẹ tham gia nữa… Khi gia đình tôi chuyển sang nơi ở mới, tôi tình cờ gặp lại Mẹ. Nhà Mẹ cách nhà tôi một đoạn đường và một con hẻm. Đã thành thói quen, mỗi khi đi ngang là mỗi bận tôi cố ý kiếm tìm, nhìn dáng hình Mẹ cô đơn, lặng lẽ ra vào mà nghe lòng quặn thắt…
Năm nay mẹ Thơi đã 87 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng. Ở cái tuổi này, niềm vui lớn nhất của một người có lẽ là được vui vầy bên con cháu, những khi ốm đau bệnh hoạn có người chăm lo thang thuốc, được những đứa cháu, chắt bi bô gọi bà ngoại, bà nội, bà cố… Thế nhưng, mẹ Thơi không có được phần phước đó. Con của Mẹ - đứa con trai duy nhất là anh Nguyễn Việt Bắc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi chưa kịp lấy vợ, sinh con!
Mẹ VNAH Lê Thị Thơi bên chiếc bàn thờ con trai mình là liệt sĩ Nguyễn Việt Bắc. Ảnh: C.T
… Mẹ VNAH Lê Thị Thơi và chồng gặp gỡ rồi kết duyên trong những năm tháng chiến tranh. Vợ tham gia công tác phụ nữ ở huyện Thới Bình, chồng là chiến sĩ của Tiểu đoàn 307. Cưới nhau không bao lâu, tin vui đến với hai người. Nhưng cũng đúng lúc ấy, ông Nguyễn Văn Sen nhận lệnh lên tuyến trên chiến đấu. Người phụ nữ trẻ Lê Thị Thơi vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa một thân một mình thai nghén, vượt cạn. Tên đứa trẻ được mẹ đặt cho là Nguyễn Việt Bắc như gửi trọn niềm thương yêu, nỗi mong chờ người chồng đang chiến đấu nơi chiến trường xa xôi. Được nuôi lớn bởi truyền thống cách mạng của gia đình và chứng kiến nhiệt huyết cách mạng của chính tấm gương sáng là người mẹ tảo tần, mới 15 tuổi, cậu bé Việt Bắc đã xin mẹ cho tham gia công tác giao liên tại xã Tân Lộc (huyện Thới Bình). Mẹ Thơi quý yêu đứa con trai duy nhất vô vàn nhưng làm sao giữ mãi nó bên mình khi quê hương chưa được yên bình, khi bao lớp trai trẻ hăng hái ra chiến trường. Cho nên, dù rất lo âu nhưng Mẹ cũng gật đầu chấp nhận khi con tiếp tục xin theo đơn vị chủ lực làm chiến sĩ trinh sát. Không bao lâu sau đó, Mẹ nhận hung tin con trai hy sinh trong một trận đánh ở chiến trường An Biên (tỉnh Rạch Giá cũ) vào ngày 17/7/1971. Ngày đất nước trọn niềm vui, ông Nguyễn Văn Sen trở về đoàn tụ gia đình, nhưng chỉ còn người vợ hiền với đôi mắt thâm sâu. Ông Sen đau đớn nhìn bàn thờ đứa con trai ông còn chưa một lần gặp mặt!
Mẹ Thơi bây giờ sống chỉ mỗi một mình, ngày qua ngày lặng lẽ vào ra căn nhà trống trải. Những huy chương, huân chương cao quý của Mẹ và gia đình đầy ắp trong nhà, lâu lắm rồi không có bàn tay lau chùi nên bụi bám ngả vàng. Bản thân Mẹ già yếu cần một người đỡ đần sớm hôm còn không có thì nói gì đến những vật vô tri. Tôi nhìn tấm hình Mẹ chụp cùng với chồng khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi, hỏi Mẹ một câu rồi thấy mình thật vô tâm khi đã hỏi về điều đó. Mẹ trả lời chậm rãi, không vướng muộn phiền (chắc là Mẹ đã quen rồi): “Ổng về với bà vợ nhỏ ở TP. Cần Thơ sống mấy năm nay rồi con à”…
Tám mươi mấy năm - gần trọn kiếp người, 60 năm làm người đảng viên ưu tú, trung thành với Đảng, sống - chiến đấu - cống hiến cho cách mạng, Mẹ cống hiến luôn cả đứa con duy nhất của mình; Mẹ cũng được làm vợ, làm mẹ nhưng rồi giờ đây Mẹ chỉ còn mỗi sự cô đơn trong tuổi xế chiều. Mẹ kể Mẹ được vài đơn vị nhận chăm nom, phụng dưỡng (trong đó có Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ), được Nhà nước xây nhà tình nghĩa… Vâng! Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt, những nghĩa tình, chính sách đối với các Mẹ VNAH nói riêng, những gia đình có công với cách mạng nói chung. Thế nhưng, không có sự quan tâm nào thấu đáo cho bằng tình thân, rất nhiều Mẹ VNAH như mẹ Thơi, những người Mẹ hy sinh đứa con duy nhất của mình, sẽ khó lấy gì để khỏa lấp nỗi cô đơn. Một mình, các Mẹ chỉ còn mỗi một mình… Bỗng nhớ ca khúc “Người mẹ của tôi” của nhạc sĩ Xuân Hồng, tôi cho rằng chưa có bài hát nào viết về những người Mẹ VNAH mà sâu sắc hơn thế! “Mẹ đang cô đơn, chúng con yêu Mẹ hơn mỗi chiều nghiêng nghiêng bóng, ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông...”. Mẹ ơi, Mẹ còn ngồi trông cho đến bao giờ?
Đất nước độc lập, tự do, dân tộc ấm no, hạnh phúc đã đánh đổi bao máu xương của cha anh, và những mất mát không thể bù đắp của những Mẹ VNAH trên đất nước này! Rồi đây, các Mẹ sẽ về với các anh, nhưng cái dáng mẹ cô đơn, đôi mắt trông xa mỏi mòn và hơn hết là trái tim lớn của những người Mẹ VNAH sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc, để cho những thế hệ hôm nay và mai sau biết tự soi lại chính mình. “Cho con xin chia sớt nỗi buồn… cho con soi lại bóng hình con. Mẹ Việt Nam ơi, xin cảm ơn Người…”.
Cẩm Thúy
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh