Chuyện về số báo đặc biệt ra đúng ngày 2/9/1945

Thứ Tư, 31/08/2016 | 16:56

Năm 1945, cả nước chỉ có khoảng mươi tờ báo có lượng phát hành lớn và do điều kiện của cách mạng khi đó, rất ít tờ báo ra đúng ngày chủ nhật 2/9/1945. Trong số ít ỏi đó, có tờ Đông Phát, trụ sở ở 94 Hàng Gai, Hà Nội, do ông Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm và ông Hoàng Hữu Huy là chủ bút.
Tờ báo chỉ còn 1 bản gốc đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhìn vào tờ báo, người ta không chỉ thấy được những thông tin về ngày lễ trọng đại này ra sao, mà còn thấy được một phần diện mạo của báo chí, kể cả ngôn ngữ Việt Nam trong ngày đầu nước nhà độc lập.

Tờ Đông Phát khổ nhỏ, được in ấn khá thô sơ. Trên tờ báo ghi “Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập” cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử của dân tộc. Ban Tổ chức đã rất chi tiết từ việc tuyên truyền để vận động người dân tham gia mít-tinh, nội dung buổi mít-tinh, đến việc lường trước các tình huống khi người dân đi dự lễ, giới thiệu các cổng vào nơi mít-tinh... Tờ báo giúp chúng ta hình dung ra mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bình đẳng giữa Chính phủ lâm thời với quốc dân đồng bào ngay trong thời kỳ trứng nước như thế nào và đây phải chăng cũng là một bài học của những người đi trước để lại. 
Có thể nhận ra việc Chính phủ lâm thời đánh giá tầm quan trọng của việc có đông người dự lễ mít-tinh, nhằm khẳng định sức mạnh của toàn dân qua thông báo: “2 giờ chiều hôm nay, toàn thể dân chúng phải tới dự lễ độc lập”, cùng dòng chữ in đậm chạy dọc chân trang báo: “Dự cuộc biểu tình “Ngày Độc lập” là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam”. 
Cách tuyên truyền về buổi lễ mít-tinh cho đồng bào cũng thật giản dị, dễ hiểu: “Đồng bào nhớ rõ: Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là “Ngày Độc lập”, tức là một ngày lễ, một buổi họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc để huy động toàn dân kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự “Ngày Độc lập” để đấu tranh lấy sự sống còn ấy - dù mới chỉ là một cuộc đấu quyết liệt bằng tinh thần”.
Với những thông tin được cô đúc trên tờ báo ra đời đúng vào ngày diễn ra sự kiện lịch sử, sau hơn 70 năm, chúng ta vẫn có thể nhận được từ đây những bài học quý giá của tiền nhân. Đó là bài học coi trọng vai trò của nhân dân và đánh giá cao công tác tuyên truyền cho nhân dân.
B.T (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.