Văn hóa - Nghệ thuật
Chùa Cỏ Đôn: Chung tay xây dựng đời sống văn hóa phum sóc
Về thăm các ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), chúng tôi cảm nhận một sinh khí mới lan tỏa trên từng phum sóc. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, chùa Moniserey Sophol Cosdon (chùa Cỏ Đôn) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hơn 110 năm hình thành và phát triển, chùa Cỏ Đôn là một trong số ít ngôi chùa Khmer cổ kính, mang nét nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Từng trải qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, chùa từng là nơi cưu mang, che chở cho nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Đặc biệt, không ít sư sãi, phật tử của chùa cũng anh dũng cầm súng tham gia kháng chiến. Phát huy truyền thống hào hùng của thời chiến, ngôi chùa đã và đang ra sức vì sự phát triển của địa phương ở thời bình. Nổi bật nhất là những hoạt động chung tay xây dựng đời sống văn hóa phum sóc.
Chánh điện chùa Cỏ Đôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Ảnh: H.T
Xuất phát điểm với cơ sở vật chất cũ nát do chiến tranh, chùa Cỏ Đôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc kiến thiết. Với sự đồng hành, giúp đỡ của nhiều chùa Khmer và phật tử thập phương, năm 2015, chùa Cỏ Đôn tưng bừng khánh thành chánh điện mới sau 18 năm ròng rã xây dựng. Chính sự có mặt của công trình này đã giúp các lễ hội văn hóa của chùa được tổ chức long trọng, trang nghiêm hơn. Đặc biệt, nơi đây còn duy trì thường xuyên hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng lồng ghép tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Bà Sơn Thị Thiết (ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây) bày tỏ: “Mặc dù nằm ở vùng sâu, điều kiện kinh phí khó khăn nhưng chùa Cỏ Đôn rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của phật tử. Cũng nhờ các sư sãi vận động, giải thích nên người dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhất là các tiêu chí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư”, phát huy và giao thoa bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer”.
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, một điểm sáng khác của chùa Cỏ Đôn là chăm lo đời sống phật tử nghèo. Hàng tháng, Ban từ thiện chùa đều tổ chức phát gạo, tặng quà cho bà con Khmer có hoàn cảnh khó khăn. Những học sinh nghèo cũng được chùa hỗ trợ đồ dùng học tập, vào chùa học chữ viết dân tộc mình. Cuối năm 2016, xã Vĩnh Phú Tây có 3.099/3.593 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, nhiều tuyến lộ ngõ xóm tại các ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Bình Bảo, Bình Hổ A, Bình Tốt B... đã được bê-tông hóa.
Bà Lê Kim Khoe, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Tây, cho biết: “Nhìn lại quá trình thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đồng bào Khmer luôn tích cực hưởng ứng bằng nhiều phần việc cụ thể như: đóng góp xây dựng lộ nông thôn, trồng cây xanh tạo mỹ quan, xây hố xử lý rác, thực hiện nếp sống văn hóa trong cộng đồng... Để có kết quả phấn khởi đó, chùa Cỏ Đôn đã đồng hành cùng chính quyền địa phương đưa phong trào từng bước “ngấm sâu” vào đời sống, khơi dậy ý thức tự giác trong đồng bào phum sóc. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy vai trò của chùa để thực hiện thắng lợi các phong trào, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.
trịnh HỮU
- Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu được khen thưởng tại Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025