Văn hóa - Nghệ thuật
Cây mít của nội
Mùa mít sai trái, sáng sớm nào thức dậy, chúng tôi cũng ra ngoài vườn nhóng lên vòm xanh của mít mà… ngửi. Có khi chưa kịp ra tìm, mùi hương thoang thoảng của mít chín đã “bay” tận vào nhà. Thấy trái nào mà gai nở vàng đều thì biết rằng mít đã chín cây…
Cây mít có lẽ cũng chỉ là một thứ cây ăn trái bình thường như bao loại khác nếu nó không gắn bó với tuổi thơ chúng tôi, và chất chứa nghĩa tình của người nhà quê trong đó. Cây mít này nội trồng hồi tôi còn chưa chào đời, nó đã hơn 20 năm tuổi. Thân cây to đùng, già cỗi đã tự tạo thành một lõm sâu dưới gốc cây hồi nào không biết. Cái lõm sâu ấy chính là nơi để lũ trẻ chúng tôi chơi trò bày tiệm bán hàng. Thân cây to lại có cái “chạc ba”, thế là ông nội lấy hai cọng dây thừng cuộn thành sợi thật chắc giăng võng cho chúng tôi ngồi chơi dưới tán cây. Hôm nào trời oi bức, nội cầm cái quạt giấy thong dong ra bên hè, tìm đến gốc mít để đánh giấc trưa bên cánh võng. Nội mỉm cười một mình khi nhìn thấy dưới gốc cây những món đồ chơi tụi nhỏ để lại sau trò bán tiệm của buổi chiều qua…
Ảnh minh họa: C.T
Mùa mít chín là mùa để bà nội tính xem trái nào sẽ biếu nhà nào. Cây mít hình như cũng có tấm lòng thơm thảo như chủ nhân của nó vậy, nên mùa nào cây cũng sai trái, dù đã già lắm rồi. Trái nào vừa tỏa thơm, nếu trên cao nội sẽ kêu mấy chú trong nhà ra hái. Hái xuống nội mang phơi một nắng để trái chín vàng đều. Rồi nội đem biếu nhà này, nhà kia. Những người được nội biếu trước hết là nhà sui gia, rồi đến nhà hàng xóm, anh em xa gần của nội… Mùa nào cũng vậy, cho nên có những nhà còn biết trước tháng nào mình sẽ có “mít biếu” để ăn…
Hôm bữa ông bàn với bà: “Tôi tính đón mấy ghe bán cây giống mua thêm vài cây ăn trái để trồng. Sau này con cháu lớn lên có cây trái vườn nhà mà ăn”. Tấm lòng của những ông bà già xưa như nội tôi là thế đó. Một trái mít có thể chẳng đáng giá bao nhiêu tiền, hơn nữa trái cây bây giờ ngoài phố chợ, siêu thị đầy ắp, còn có những loại ngoại nhập rất phong phú, thế nhưng với chúng tôi, không có loại trái nào chất chứa tấm lòng thơm thảo như mùi mít trong vườn nội trồng. Vì nó được vun trồng, chăm sóc bằng tấm lòng thương yêu, quan tâm của ông bà dành cho con cháu mình. Cây mít của nội đang ngày thêm già cỗi như chính người trồng nó, nhưng rồi lại có những cây tiếp nối để “sau này con cháu lớn lên có cây trái mà ăn” như ý nguyện khi nội trồng cây.
Nhật Anh
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Đồ chơi Hot Wheels chính hãng