Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer: Phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Thời gian qua, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer luôn được tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, việc phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong giữ gìn bản sắc văn hóa đã tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp và đồng bào Khmer.
Hiệu quả từ sự đồng thuận
Cùng với sự phát triển về đời sống kinh tế - xã hội, vấn đề bảo tồn văn hóa phum sóc đang có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa vùng có đông đồng bào Khmer, Bạc Liêu luôn đề cao và phát huy sức mạnh phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Không chỉ tạo được sự đồng thuận về mặt nhận thức, việc làm này còn huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer.
Hàng năm, chính quyền các cấp và Ban quản trị các chùa Khmer trong tỉnh đều phối hợp tổ chức các lễ hội cổ truyền với sinh khí vui tươi, đậm đà sắc màu dân tộc. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật dân gian Khmer như: Dù kê, nhạc ngũ âm, múa apsara... được Nhà nước và đồng bào dân tộc giữ gìn và phát triển. Từ năm 2009 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh và đồng bào đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa lò hỏa táng cho 18 chùa Khmer trong tỉnh. Bên cạnh đó còn mua sắm, trao tặng nhiều dàn nhạc ngũ âm, bộ âm thanh cho chùa Khmer và các thiết chế văn hóa của phum sóc.
Đại đức Dương Văn Hiến, Trụ trì chùa Serey Vongsa Kos Thmay (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), cho biết: “Cũng nhờ sự chung tay của Đảng, Nhà nước và đồng bào phật tử mà các công trình, hạng mục phục vụ đời sống tín ngưỡng của chùa được xây dựng, tu bổ khang trang. Sự đồng thuận ấy đã tạo sức mạnh, nguồn lực lớn để bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Khmer”.
Điểm trường chùa Cái Giá Chót (huyện Vĩnh Lợi) dạy song ngữ Việt - Khmer, được xây dựng khang trang từ sự đóng góp từ Nhà nước và đồng bào Khmer. Ảnh: H.T
Cần tiếp tục phát huy
Trước những “biến tướng” về lối sống, nhận thức trong đời sống hiện đại, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer còn nhiều trăn trở. Trước hết, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của nhiều phum sóc chưa diễn ra thường xuyên, hình thức tổ chức “nghèo nàn”, chủ yếu trông chờ vào sự phục vụ của đoàn nghệ thuật. Đáng lo là một số loại hình nghệ thuật cổ truyền, nét đẹp văn hóa của phum sóc như: hát À-dây (đối đáp), sân khấu Rô-băm (kịch múa), điêu khắc, chữ viết Khmer... ngày càng mai một, đội ngũ kế thừa “mỏng”. Những thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song, cốt lõi nằm ở sự phối hợp, hỗ trợ của ngành chức năng với chính quyền địa phương, Ban quản trị các chùa Khmer chưa thật sự sâu sát và đồng bộ. Từ đó, để vực dậy phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các phum sóc đành phải tổ chức các hoạt động theo hình thức “chữa cháy”, chứ chưa có giải pháp mang tính bền vững.
Theo ông Văn Công Diệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở VH-TT&DL thì để khắc phục những vấn đề trên, ngành VH-TT&DL cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành hữu quan và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer theo lộ trình cụ thể. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tình yêu, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân tộc Khmer trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt là tăng cường trưng dụng và đào tạo, phát huy vai trò của cán bộ văn hóa là người Khmer. Bên cạnh đó, mời gọi những nghệ nhân nổi tiếng về các loại hình nghệ thuật Khmer tổ chức tập huấn cho nghệ sĩ, diễn viên; khuyến khích vấn đề bảo tồn văn hóa trong gia đình, mở các lớp dạy song ngữ Việt - Khmer cho nhiều đối tượng…
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Do đó, các công trình, phần việc phát triển đời sống văn hóa phum sóc cần phải tiếp tục phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bởi, trách nhiệm này cần phải có sự cộng lực về tinh thần lẫn vật chất từ phía các ngành chức năng, chính quyền địa phương và đồng bào Khmer.
HỮU THỌ
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh