Vấn đề bạn đọc quan tâm

“Cò nhà đất”: Chiêu trò và nhiễu loạn

Thứ Hai, 25/04/2022 | 16:16

Cũng như nhiều địa phương khác, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn có sự nhúng tay của đội ngũ “cò nhà đất”. Chính họ đã khiến giá đất ở nhiều nơi, nhất là các dự án khu dân cư, khu đô thị mới diễn biến một cách khác thường mà để chấn chỉnh, rất cần có vai trò quản lý của Nhà nước.    

Bảng giới thiệu nền đất thổ cư được các “cò đất” treo, dán khắp nơi trong tỉnh. Ảnh: H.A

BIẾT CHỮ LÀ ĐƯỢC LÀM… NHÂN VIÊN!

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có ít nhất 4 công ty con (trực thuộc một công ty mẹ đặt trụ sở tại TP. Cần Thơ) chuyên hoạt động “cò nhà đất”, chủ yếu rao bán, tư vấn, môi giới, tìm kiếm khách hàng để bán đất nền tại các khu dân cư, khu đô thị mới để hưởng chênh lệch theo thỏa thuận với chủ dự án. Chỉ tính bình quân mỗi công ty có khoảng 200 nhân viên (chia thành nhiều sàn), trên địa bàn tỉnh có ít nhất 800 “cò nhà đất” đang hoạt động. Ở một tỉnh nhỏ và ít sôi động như Bạc Liêu thì rõ ràng với sự đổ bộ của số lượng lớn nhân viên “cò nhà đất” như vậy thì quá sức tưởng tượng.

Chị L.T.T.N ở huyện Vĩnh Lợi, từng là nhân viên của một trong 4 công ty nêu trên cho biết, điều kiện để được tuyển vào làm việc cho công ty rất dễ. Chỉ cần có bằng lớp 12 hoặc thấp hơn vẫn được, nhưng cần có kinh nghiệm giao dịch hoặc hiểu biết trong lĩnh vực nhà đất, công ty tổ chức phỏng vấn trực tiếp trước khi tuyển dụng và gần như không ai bị loại. Đơn giản hơn là không cần có chứng chỉ hành nghề hoặc đã qua bất kỳ lớp tập huấn nào vẫn được tung tăng làm “cò nhà đất”.      

Vào công ty, mỗi nhân viên được ký hợp đồng thử việc 3 tháng, được nhận chi phí hỗ trợ mỗi tháng 3,2 triệu đồng. Công việc của những người này là lấy danh bạ điện thoại của hàng chục ngàn chủ thuê bao do công ty cung cấp (mua từ đối tác khác) rồi vô tư gọi điện mời mọc, tìm kiếm khách hàng. Một tuần lễ, số nhân viên này phải đi “thị trường” 2 ngày, nghĩa là trực tiếp ra đường gặp gỡ, tiếp xúc mọi người để tư vấn, phát tờ rơi giới thiệu nhà đất trong khu dự án. Theo chị L.T.T.N, quy định của công ty là xin được số điện thoại của người mà mình đang giao tiếp được tính thành công 50%. Nếu kết nối được, khách hàng đồng ý đến tham quan dự án và ký hợp đồng đặt cọc vị trí nền thì công việc của “cò nhà đất” được xem thành công 100%.

Trang Facebook môi giới nhà đất của một viên chức cơ quan cấp tỉnh rao bán nhà.

“DỘI BOM” CUỘC GỌI

Nhân viên các công ty chuyên “cò nhà đất” cho biết, nhiệm vụ của mỗi người trong một ngày phải gọi điện cho ít nhất 100 chủ thuê bao di động để giới thiệu, rao bán nhà đất trong các khu dân cư, khu đô thị mới. Công ty luôn có cách để giám sát chỉ tiêu này nên khó ai gian dối được. Do phần lớn tin nhắn rác đã bị nhà mạng chặn đứng nên mạnh ai nấy gọi quấy rầy những người sử dụng điện thoại mà không quan trọng là trong hay ngoài giờ hành chính. Đáng chú ý trong số đó, tỷ lệ kết nối thành công rất ít. Từ chiêu thức bán hàng như vậy, dẫn đến chiến dịch “dội bom” cuộc gọi lớn chưa từng có đến người sử dụng điện thoại. 

Chị N.T.T.A là cán bộ nhà nước ở TP. Bạc Liêu cho biết, có hôm chị nhận được 3 - 4 cuộc gọi như vậy ngay trong  giờ làm việc. Khi lỡ gọi cho chị trong giờ làm việc, họ xin dời cuộc hẹn lại 8 giờ tối để có thời gian giới thiệu lâu hơn. Một số người khác than phiền, họ “phát điên” khi một ngày nhận quá nhiều cuộc gọi tiếp thị “tra tấn” ngay giữa lúc căng thẳng công việc, hoặc đang nghỉ trưa. Bên cạnh hình thức cho nhân viên gọi điện trực tiếp để mời chào, nhiều công ty còn sử dụng tổng đài tự động để gọi điện quảng cáo. Chỉ cần chủ thuê bao nhấc máy, lập tức ở đầu dây bên kia, các thông tin về dự án BĐS sẽ tự động được bật, không cần biết người nhấc máy có bận hoặc quan tâm đến dự án hay không.

Không chỉ các cuộc gọi, tin nhắn SMS cũng là hình thức tiếp tục được các công ty mua bán BĐS huy động để quảng cáo, mời chào chủ thuê bao. Tuy nhiên, gần đây khi nhà mạng mạnh tay trong việc chặn tin nhắn rác thì một số đơn vị đẩy mạnh nhắn tin spam trên nền tảng Internet hoặc Email. Đa số “nạn nhân” của các cuộc gọi đó cho rằng, với cách tiếp thị qua điện thoại, bên bán hàng đang làm khổ người nghe, nhiều cuộc điện thoại rác như thế thật sự rất khó chịu và phiền phức.

“CÒ NHÀ ĐẤT” ANH LÀ AI?

Anh T., một người khá am hiểu thị trường nhà đất chia sẻ, ở Bạc Liêu hiện nay ai cũng có thể làm “cò nhà đất”, hễ cảm thấy thích là làm. Do không ai quản lý hoặc kiểm soát cái nghề này nên từ công chức địa chính xã, phường cho đến cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước và kể cả giáo viên cũng kiêm công việc làm “cò nhà đất” để kiếm thêm thu nhập.

Các “cò” tay ngang thì hành nghề bằng cách đăng lên trang Zalo, Facebook cá nhân của mình sổ đỏ đính kèm hình ảnh vị trí, đặc điểm nhà, đất cần bán và cho số điện thoại liên hệ. Những người khác thì ngang nhiên nhổ bỏ tấm bảng thông tin chuyển nhượng của chủ đất và thay vào đó là tấm bảng mới ghi số điện thoại của mình để “làm mưa làm gió” giá cả với những ai cần mua. Không chỉ kiếm được số tiền kha khá từ việc thổi giá, tung tin đồn thất thiệt, mà kết cục giao dịch thành công, họ còn được hưởng hoa hồng từ cả hai phía: người mua và người bán.

Chị S.N.H là giáo viên của một trường THPT trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Do tay ngang vào nghề nên sau 2 lần được hưởng hoa hồng nhờ rao bán nhà đất thành công trên trang Facebook, chị đã bỏ cuộc. Chị H. tâm sự, vì không có kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề nên các bên (mua, bán) bẻ kèo mình không đỡ nổi.  

Anh T. chia sẻ thêm, biết rằng “đụng” tới “cò” là bị thổi giá, nhưng có một điều rất lạ là ai mà muốn bán đất nếu qua tay “cò” thì bán rất nhanh. Chủ đất mà tự tìm kiếm khách hàng có khi cả nửa năm trời vẫn chưa bán được đất. Những tay cò “biết chuyện”, từ đất trồng lúa, nuôi tôm, một thửa đất lớn họ còn làm được thủ tục tách thành hàng chục thửa nhỏ để giao dịch dưới dạng đất nền, tạo giá trị mới cao hơn nhiều lần so với giá cũ. Và theo anh T., nếu như tay ngang thì vô phương làm được chuyện này.

Việc thổi giá, tung tin thất thiệt của “cò nhà đất” để đánh lừa người mua nhằm thu lợi đang tạo nên những cơn sóng ngầm nguy hiểm đối với thị trường BĐS ở các khu dân cư, khu đô thị mới.

Thực trạng này rất cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, hướng đến thị trường nhà ở và BĐS trên địa bàn phát triển bền vững, minh bạch. Các chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS cần thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà ở, kinh doanh BĐS trong quá trình triển khai dự án. Đây là khuôn thước chuẩn để người bán lẫn người mua không bị khổ với nạn “cò đất” chi phối, lừa đảo.

HOÀI ANH

Theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc các công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của họ là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.