Vấn đề bạn đọc quan tâm
Cẩn trọng khi nghe cuộc gọi zalo có hình
Thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội bị hack tài khoản Zalo hoặc Facebook rất nhanh. Khi bản thân chưa kịp hay biết thì danh sách bạn bè, người quen đã bị đối tượng nhắn tin, gọi điện thoại mượn tiền khắp nơi. Đáng quan ngại hơn, với sự thay đổi của các ngân hàng về việc phải xác định sinh trắc học khi giao dịch tiền trên SmartBanking; để lấy được gương mặt của người dùng, các đối tượng tội phạm trên không gian mạng bắt đầu thực hiện việc gọi điện thoại có hình để lấy gương mặt người dùng phục vụ mục đích xấu.
Nhiều người dùng bị mất tài khoản Zalo hoặc bị lừa đảo từ tài khoản Zalo bị hack. Ảnh: K.K
Chị N.N (Phường 3, TP. Bạc Liêu) thông tin trên Faceboook cá nhân câu chuyện của bản thân mình để cảnh giác đến mọi người về trường hợp chị bị mất nick Zalo từ bọn tội phạm trên không gian mạng.
Ban đầu từ nick một người thân quen nhắn tin nhờ bình chọn cuộc thi cho con cháu, chị N.N bất cẩn bấm vào đường link nhưng đã nhanh chóng thoát ra kịp thời. Ngay sau đó, tin tặc dùng số Zalo (đã bị hack) của người quen, gọi video có hình, chị N.N tưởng là người quen gọi nên chọn nhận cuộc gọi. Phía bên kia không thấy người gọi, cũng không thấy ai nói chuyện, nghi ngờ nên chị N.N tắt cuộc gọi mà không biết có thể lúc này bọn tội phạm đã đủ thời gian để ghi lại nhận diện gương mặt của chị. Hình ảnh nhận diện gương mặt có thể dùng để đăng nhập vào các tài khoản cá nhân, mạng xã hội, thậm chí là tài khoản ngân hàng, tài khoản VNeID mà người dùng chọn đăng nhập bằng nhận diện gương mặt.
Chỉ sau vài giây khi chị tắt cuộc gọi video, tài khoản Zalo của chị được thông báo có người đăng nhập. Chị liền khóa tài khoản, đổi mật khẩu nhưng bọn tin tặc vẫn kịp vào chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo, nhắn tin mượn tiền bạn bè của chị N.
Hiện tại, các ngân hàng đã thông báo, từ ngày 1/7/2024, bắt buộc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần và một số giao dịch khác trên SmartBanking (có nhận diện bằng gương mặt). Nhiều khả năng các đối tượng tội phạm trên không gian mạng bắt đầu hướng tới việc chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội không chỉ để lừa đảo mượn tiền mà thực hiện gọi video thấy hình để lấy được khuôn mặt động của người dùng mà phục vụ cho các hoạt động chiếm đoạt tiền. Do đó, người dùng mạng xã hội nên hết sức cảnh giác, không click vào các đường link lạ, các lời mời bình chọn qua mạng xã hội (như Zalo, Facebook…) mà thấy hình ảnh. Bởi bọn tội phạm còn có thể sử dụng hình ảnh của người dùng để tiếp tục gọi điện thoại đến danh sách bạn bè của người đó, lừa đảo mượn tiền với hình ảnh của người dùng vừa mới thu được hết sức sống động, khiến người quen tin tưởng mà chuyển tiền cho mượn. Hoặc dùng hình ảnh đó để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng (có yêu cầu sinh trắc học) để rút tiền.
Chị N.N nói rằng, bọn tội phạm dùng Zalo đã hack để gọi cho danh sách bạn bè, người thân quen của người đó nên không ít người mất cảnh giác. Thiết nghĩ, để phòng tránh việc này, khi nhận cuộc gọi video có hình, trước nhất đừng chọn thấy gương mặt của mình cho đối phương cho đến khi chắc chắn bên kia đúng là người quen của mình.
Có thể thấy, cùng với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ 4.0, nhiều đối tác cung cấp các dịch vụ cho người dùng ngày càng cải tiến để đảm bảo an toàn, an ninh mạng thì bọn tội phạm công nghệ cao cũng tìm ra nhiều cách để xâm nhập, hack tài khoản, lấy thông tin, chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản để lừa đảo, lấy tiền từ những sơ hở, mất cảnh giác, thậm chí là thiếu hiểu biết của người dùng. Do đó, lời khuyên tốt nhất vẫn là chúng ta hãy hết sức cảnh giác trên không gian mạng xã hội, không dễ dàng tin bất cứ ai, kể cả người thân vì có thể tài khoản đó đã bị hack.
KIM KIM
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn