Truyện ngắn
Sự cảm hóa
Sau tiết dạy cuối cùng trên lớp, tôi lững thững với chiếc cặp trong tay, chân rảo bước từ dãy phòng học dành cho học viên khối bổ túc đi về. Đảo mắt xung quanh sân trung tâm GDTX một lượt, cảnh vật khá im ắng, các lớp đã về hết, chỉ trừ vài ba tiếng nói cười rất nhỏ, tiếng dép lẹp kẹp cố quét xuống nền đất của mấy cậu học viên ra muộn khi bước xuống cầu thang.
Tôi hướng về hàng phi lao trước cổng trung tâm, hình ảnh một người phụ nữ đặc sệt nông dân, đầu đội cái nón lá đã ngả màu dầu dừa, dáng người bé nhỏ, ngồi trầm tư trên cái ghế đá đặt dưới gốc phi lao, trông đến tội nghiệp. Không chỉ hôm nay tôi mới thấy chị ngồi đó hướng cái nhìn vào dãy phòng học khối bổ túc với khuôn mặt đầy tâm trạng, mà ngay từ những ngày đầu tiên, khi bước vào năm học mới, ngày nào chị cũng ngồi lặng lẽ như một cái bóng. Như mọi ngày, vòng quay của chiếc xe đạp chỉ cho phép tôi dừng lại vài giây đủ để cho tôi kịp mỉm cười và gật đầu chào chị. Hôm nay có một chút khác biệt. Xe đạp bị lủng xăm, tôi đành phải để nó ở tiệm sửa xe bên ngoài cổng trung tâm và giờ thả bộ ra lấy. Thấy chị vẫn ngồi trên cái ghế đá như mọi ngày, tôi dừng lại hỏi thăm: “Chị chờ để chở cháu về à?”. Chị nhìn tôi, mỉm cười gượng gạo, một tiếng “vâng” thật khẽ chỉ đủ cho tôi nghe thấy. Tôi đang định hỏi chị vì sao không để cho con tự đi học, tự về mà ngày nào cũng phải đưa đón, chờ đợi thì chị đã ngắt lời: “Cô ơi, ở đây có chùa nào gần trường không? Tôi muốn gửi cháu ở đó”. - “Dạ có chị ạ. Nhưng sao chị lại phải gửi cháu vào chùa?”. Nghe câu hỏi của tôi, chị lặng thinh rồi sau đó tôi được chị trải lòng về câu chuyện buồn của gia đình và về cậu con trai của chị.
Vợ chồng chị có hai đứa con. Cháu Tài đang học lớp 10 ở đây là con trai đầu. Còn một cô con gái tên Hoa hiện đang học lớp 6. Chồng chị mới mất cách đây ba tháng vì ung thư phổi. Cảnh nhà túng thiếu đủ đường. Lại thêm cháu Tài mê mấy trò chơi trực tuyến, cứ theo bạn bè ngồi trong quán Internet suốt ngày, chị khuyên thế nào cũng không được. Cứ thế Tài bỏ nhà đi chơi, vài ba bữa mới thấy về nhà một lần. Cũng vì bỏ học chơi bời nên trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, Tài không đủ điểm vào trường phổ thông. Chị sợ con mình nếu không đi học nữa thì sẽ thêm hư hỏng nên tìm mọi cách khuyên cháu vào trung tâm GDTX này học. Từ nhà đến trường khoảng 15 cây số, phần vì Tài đi xe máy chưa vững, phần vì lo sợ con lại theo bạn chơi bời mà không đến lớp, nên ngày nào chị cũng phải chở con đến trường rồi chiều lại ngồi đây chờ chở về nhà.
Chị kể với tôi câu chuyện gia đình mình mà mắt đỏ hoe. Đứng trước chị, tôi nhận ra một người phụ nữ tảo tần, thương con đến đứt ruột. Người phụ nữ với nước da đen sạm vì sương gió, vì những khổ đau, mất mát khi người đàn ông trụ cột trong nhà không còn, và vì tình thương yêu con cái, những lo sợ nơm nớp con mình sẽ sa ngã giữa dòng đời. Tôi tìm cách an ủi chị. Chị nhìn tôi cảm ơn rồi cố giấu đi nỗi buồn khi cậu con trai đang bước lại gần. Tôi không chủ nhiệm lớp 10 nên chỉ biết Tài qua những tiết học Văn trên lớp. Tôi nhận ra em và nhớ lại buổi khai giảng vừa qua. Hôm đó, tôi là người dẫn chương trình. Trong phần giao lưu, tôi có hỏi sở thích của từng học viên. Em đã thật thà trả lời: “Em thích game”. Câu trả lời của em khiến tất cả những ai có mặt đều cười ồ. Khi đó, tôi còn nói với em: “Hy vọng vào năm học mới, sở thích của em sẽ thay đổi. Không còn là game mà là tất cả các môn văn hóa em sẽ được học”. Em không trả lời và cứ thế ngồi xuống im lặng. Hôm trước lên lớp dạy, tôi vẫn nhớ gương mặt của cậu học viên có sở thích đặc biệt ấy và tôi có hỏi lại: “Em đã tìm được sở thích mới cho mình chưa?”. Em im lặng, cứ thế chăm chăm nhìn cuốn vở ghi bài.
Em bước lại gần, nơi tôi và mẹ em đang đứng nói chuyện. Đầu đội mũ phớt, mặc bộ quần tây, áo sơ mi trắng không đóng thùng, chân đi dép kẹp. Em không chào tôi và mẹ em, cứ thế lẳng lặng bước qua. Thấy Tài không lễ phép, chị chạy theo cố kéo tay con quay lại nhưng không được. Chị ngại ngùng bước lại gần tôi xin lỗi. Tôi gượng cười nhưng vẫn an ủi chị: “Không sao đâu chị. Rồi một ngày nào đó, Tài sẽ thay đổi”.
Cùng lúc đó, chú tiểu Thái, học cùng lớp với Tài bước lại gần. Tôi giới thiệu với chị, chú Thái hiện đang tu ở một ngôi chùa gần trung tâm này. Chị vui lắm. Dành lại khoảng không gian riêng cho hai bên trò chuyện, tôi chào chị ra về.
Mấy hôm sau đó, tôi không thấy chị ngồi ở ghế đá chờ Tài về nữa. Hàng ngày lên lớp, tôi vẫn thấy Tài cùng Thái đến trường trên chiếc xe đạp đã cũ. Thấy hai cậu học trò nói chuyện rồi cùng nhau học tập, tôi mừng cho chị, mừng cho Tài.
Thái vốn là một học sinh giỏi. Vì hoàn cảnh gia đình cả ba và mẹ đều mất trong một tai nạn giao thông từ khi Thái lên 10 tuổi, Thái đã xin ông bà nội cho vào chùa ở đã 5 năm nay. Sau một thời gian nghỉ học dài, Thái xin nhà chùa cho đi học lại. Vừa học kinh kệ, vừa làm công việc nhà chùa, vừa đi học bổ túc. Nghe mẹ Tài kể về hoàn cảnh đáng thương của gia đình, Thái đã về thưa chuyện lại với sư Trụ trì rồi dẫn Tài vào chùa. Nghe Thái nói, mấy hôm trước, mẹ Tài đến thưa chuyện với nhà chùa và được nhà chùa đồng ý cho Tài vào ở. Mẹ Tài vui lắm. Chị tin tưởng và kỳ vọng những điều tốt đẹp nhất mà nhà chùa sẽ đem lại cho con mình. Chị cũng hy vọng, thời gian Tài sống trong chùa, được làm bạn với Thái, Tài sẽ có suy nghĩ khác. Và chị sẽ yên tâm để tảo tần gánh vác trách nhiệm trụ cột của gia đình thay chồng.
Chiều nay lên lớp dạy, tôi nhận ra sự thay đổi rõ rệt ở Tài. Cậu học trò với sở thích mê game hình như không còn nữa. Những lần em giơ tay phát biểu bài càng nhiều. Tôi vui vì thấy em tiến bộ và càng vui hơn khi gặp lại mẹ em. Nỗi buồn trên khuôn mặt trầm ngâm dường như đã tan biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc hiện hữu qua từng lời nói, cử chỉ và ánh mắt của chị.
Lê Thị Xuyên
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh