Truyện ngắn
Nắng chiều
Sáng nay, tôi thấy má khẽ cười trong lúc chải đầu. Mấy chục năm qua, má vẫn cười nhưng chỉ là gượng gạo, để đối diện với hàng xóm, họ hàng. Có khi nào tôi thấy má thật sự vui đâu. Tôi ì ạch dắt chiếc xe ra ngoài cửa, chuẩn bị rồ ga đi thì má nói với theo: “Chiều về sớm giữ nhà, ba má lên cậu Tư thăm ngoại. Má nấu cơm để sẵn, về hâm nóng lại ăn thôi”. - “Con biết rồi. Hai vợ chồng đi vui vẻ nha”, tôi nháy mắt cười “đía”, má sượng sùng đỏ mặt. Tự nhiên sáng nay, tôi thấy cảnh quê mình sao mà đẹp lạ thường…
Ba má tôi kết tóc se duyên khi má tròn 18 tuổi. Phận là con gái mà thời hồi trước đâu được cho ăn học tới nơi, nên chỉ biết ở nhà nội trợ, ruộng vườn. Má được tiếng ngoan hiền, khéo léo giỏi giang, nội tôi cần dâu hiền nên đã chọn má. Ngày trước, mỗi khi xem một bộ phim nào đó nói về tình yêu đôi lứa là má lại kể cho tôi nghe chuyện lần đầu má gặp ba tôi ra sao. Chỉ một khoảnh khắc thôi mà cả đời con người ta không thể nào quên được. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cách ba đối xử với má, tôi có chút đau âm ỉ trong lòng. Thật ra ba chẳng hề tệ bạc, vũ phu gì, chỉ là ông luôn lạnh lùng, xa cách. Có lẽ vì vậy mà con cái chỉ có mỗi mình tôi chăng?... Ba tôi đi làm, giao thiệp nhiều nhưng chẳng hề lăng nhăng. Mỗi lần công ty có tổ chức họp mặt hay có đi đâu đó chơi, má lại chạnh lòng. Bởi, trong khi đồng nghiệp dẫn vợ/chồng, con cái theo, thì tuyệt nhiên ba chẳng hề dẫn má. Trong các cuộc trò chuyện, người ta nhắc đến vợ với vẻ tự hào, hãnh diện, còn ba tôi chẳng nói nửa lời. Cho nên khi ông nội mất, đồng nghiệp, bạn bè ba đến rất đông - chia buồn là một, nhưng để thỏa mãn sự tò mò về má tôi lại đến mười. Ngày ấy tôi cũng lớn rồi nên thấy ánh mắt họ nhìn má, tai tôi đỏ bừng, tôi càng giận ba nhiều hơn. Sau khi đám tiệc xong hết chỉ còn lại người thân, tôi đã khóc và giãy với ba: “Ba làm vậy với má mà coi được sao? Ba có biết mấy người đó xì xào gì sau lưng nhà mình không. Người ta nhìn má con, con tức tới nỗi muốn lại hét vào mặt cho hả dạ”. - “Mỹ, không được hỗn với ba!”, má chạy tới can ngăn. Cơn phẫn nộ của tôi vẫn không chìm xuống, tôi quay sang nói với má trong nước mắt: “Lâu nay ba đối xử với má vậy mà má còn bênh vực, hèn chi có ai biết trân trọng má đâu”. Ba không nói gì, ông im lặng rồi bỏ đi nơi khác. Ông càng như vậy, nỗi thất vọng của tôi về ông càng lớn. Dấu hỏi to đùng không có lời giải đáp vẫn mãi trong tôi cho đến tận bây giờ. Biết sao được, ba tôi có ai khác bên ngoài đâu, vẫn hiếu thuận, vẫn đem tiền về lo cho vợ con, vẫn là người chồng, người cha tốt. Ba có sai lầm gì đâu mà má trách. Ừ, đó là lý lẽ của má để khỏa lấp nỗi đơn phương, để trấn an tôi, để má vượt qua nỗi cô đơn trong lòng theo má suốt một thời thanh xuân. Má xưa giờ, chỉ có và duy nhất một người. Ba cũng vậy, nhưng người duy nhất ấy không dành về phía má. Tình cờ tôi biết được sự thật khi nghe mấy cô nói chuyện. Cái tên Nhật Hạ ấy nghe nhẹ nhàng, lưu luyến nên cả tuổi trẻ của người đàn ông kia mãi cứ vấn vương. Cho dù người phụ nữ ấy đã khuất lâu rồi nhưng vị trí của cô trong lòng ba tôi thì không ai thay thế được.
“Nếu cô Hạ không là họa sĩ thì có lẽ má mình đã chịu”, cô Hai tôi vừa lấy tay đưa cánh võng cho anh út ngủ vừa chỏi chân lên giường nhắc chuyện. Mà cô ấy phận mỏng, năm đó gặp tai nạn mới không qua khỏi. Cô Ba nằm trên giường bên kia thở dài nói: “Không là họa sĩ đi chăng nữa chắc gì má đã chịu. Má cần đứa con dâu Út giỏi giang, quán xuyến được nhà cửa, Hạ có biết làm gì đâu. Chỉ thương cho con Lệ, tới bây giờ thằng Út vẫn chưa động lòng”. - “Cũng tại má mình đòi sống đòi chết nếu như nó lấy con Hạ”… Lúc đó tôi đã 10 tuổi, cũng nhận thức được ít nhiều nên câu chuyện đó theo tôi đến về sau. Khi trưởng thành, nhất là khi đã biết rung cảm đầu đời, tôi lại càng thương má.
Cuộc sống cứ thế xoay vần, mọi thứ cứ cuốn mình đi. Tôi cũng mệt mỏi khi suốt ngày quan tâm đến cảm xúc của ba đối với má. Nên tôi sống cuộc sống của mình, học xa nhà, tôi chỉ gọi điện hỏi thăm má và bà. Còn ba, từ lúc đám tang ông nội, hai cha con đã xa lại càng lợt lạt. Bà tôi bệnh càng ngày càng nặng nên không qua khỏi. Năm rồi ba đổ bệnh, không còn cách nào khác, tôi chuyển công tác về quê nhà. Tôi lao vào công việc mà quên mất thói quen để ý tình cảm của ba với má như thế nào, nên sự đổi khác của ông với má đã khiến tôi ngạc nhiên chen lẫn niềm hạnh phúc. Cảm giác đó cứ như là mình đã trải qua mối tình đơn phương kéo dài nhiều năm nay được người ta hồi đáp vậy. Ngày ngày, tôi thấy má chạy đôn chạy đáo lo việc nhà, chăm sóc hai chục công vuông, đút cho ba từng muỗng cơm, lau mình tắm rửa cho ba. Có lẽ sự ân cần, hy sinh ấy đã cảm động được trái tim băng giá kia, theo thời gian kết lại thành những giọt thủy tinh trên đôi mắt. Tôi tình cờ thấy ba khóc sau khi má quay đi. Ánh mắt ba nhìn má đầy hối lỗi, xót xa…
Sau gần một năm ba tôi nhanh chóng bình phục. Tuy không được như lúc trước nhưng ít ra có thể sinh hoạt bình thường, có thể phụ giúp má ít nhiều, quan trọng hơn có thể chở má đi đây đi đó - điều mà má và tôi ao ước bao lâu nay. Hàng ngày hai vợ chồng gọi nhau khiến không khí gia đình tươi vui, đầm ấm. Ba má tôi sắm hẳn một cặp Smartphone rồi tập tành chơi Facebook. Tham gia nhiều đến nỗi ai gặp tôi cũng nói “cha mẹ mày yêu thương nhau dữ he, thấy suốt ngày đăng hình có nhau. Mẹ mày hồi xuân hay sao mà biết sửa soạn đẹp hơn xưa vậy?”… Mỗi lần nghe ai nói như thế, tôi chỉ biết cười, với tôi đó là một thứ hạnh phúc không dễ dàng có được.
Sáng nay thấy má cười. Mái đầu đã xen kẽ nhiều sợi bạc nhưng gương mặt lại trẻ trung đầy sức sống và chợt nhận ra cuộc đời không gì gọi là muộn màng cả. Trễ một chút nhưng sự cố gắng của mình được đền đáp thì niềm vui mang lại chẳng nhỏ tí nào. Nắng ban chiều hắt vào ô cửa, tắm tưới cho mái nhà ấm hơn sau bao năm lạnh giá…
Trần Như Ý
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước