Truyện ngắn
Nỗi buồn con nước
Giữa màn đêm tĩnh mịch, mấy con bồ tọt ngoài hè cứ kêu râm ran. Chế Hai chong ngọn đèn dầu, ngồi nhẩm tính mua đồ cho ngày xuống mối. Chốc chốc lại tặc lưỡi: “Mong là tới đám gả mày trời đừng có mưa vậy nữa. Dột hết, nhìn nhà cửa nhếch nhác lắm”. Chế dừng vài giây rồi nói tiếp: “Mày được gả về đó tao mừng”. Nói rồi, chế tới bàn thờ châm thêm dầu vào bình đèn. Giọng chế nói chuyện tôi nghe sao y hệt má, ngay cả cái dáng của chế nhìn từ ngoài sau, tôi cảm giác như má đang ở trước mặt mình…
Lục đục đến khuya, chế mới chịu vô mùng ngủ. Trở mình nhiều lần không yên giấc, chế căn dặn tôi: “Mày cứ thương con thằng Trung như là con của mày, con nít mày thương nó thì nó mới thương mày. Nhớ hồi đó dì Ngãi không, đâu có tình cảm với chị em mình, nên bây giờ không có gì đọng lại. Ba mất là chẳng còn mối liên hệ nào ngoài thằng Út”. Chế nói mà tôi cứ tưởng như là chế đã trải qua cuộc sống hôn nhân rồi vậy. Tôi thở dài, buồn bã nói: “Sao chế không cho em ở với chế tới già, muốn em lấy chồng chi?”. Chế trầm ngâm giây lát, xoay người ôm tôi rồi vuốt mấy sợi tóc bảo: “Một mình tao mang tiếng đủ rồi…”. Chế không nói gì thêm, tôi cũng im lặng vì cảm giác có thứ gì đó đang chặn lại cổ họng mình. Khó khăn lắm cả hai chị em mới chìm vào giấc ngủ.
Tuy cách nhau 6 tuổi nhưng lúc nào tôi cũng xem chế như là mẹ. Hồi đó, chế ra đời không được bên nội tôi chào đón vì họ mong đầu lòng là đứa cháu trai. Má tôi buồn rầu mà sinh bệnh, vì sức khỏe yếu mà những lần mang thai sau đó bà không giữ lại được người nào cho đến khi có mặt tôi. Cũng như chế Hai, tôi bị họ hàng ghẻ lạnh. Ngay cả ba ruột của mình, tôi cũng không nhận được sự yêu thương. Tôi chỉ nhớ mang máng, cách mấy tháng có khi cả năm trời ông chỉ về thăm nhà một lần vì bận đi làm ăn xa, những lần hiếm hoi đó ông chẳng bao giờ dòm ngó đến tôi, huống chi là cưng nựng. Rồi mỗi khi ông đi, má tôi lại khóc. Tôi thì còn quá nhỏ chưa hiểu gì, chỉ có chế Hai mới biết cách ủi an má. Những lần như thế, má lại ôm hai chị em tôi vào lòng mặc cho nước mắt tuôn rơi. Tôi cảm nhận rất rõ ngực của má ấm, lưng má gầy nhấp nhô những lằn xương, còn Chế Hai dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt vô hồn ngân ngấn nước nhìn xuống dòng sông - nơi có mấy đám lục bình lênh đênh trôi nổi…
Sáng hôm sau đàn trai xuống sớm, hai chị em tôi tất bật nấu nướng, thỉnh thoảng tôi thấy ánh mắt mẹ chồng tương lai dò xét xem tôi có đảm đang hay không. Người lớn bên này là dì Ba có mặt để bàn tính chuyện đám cưới với họ. Khi vô tình thấy Trung lén nhìn mình đầy yêu thương, tự dưng tôi nghe tim mình rung động. Thì ra bấy lâu nay, chỉ vì thương chế Hai mà tôi đã dẹp bỏ tình cảm nam nữ sang một bên, nên bây giờ gặp người đúng thời điểm, niềm khát khao mái ấm gia đình trong tôi thức dậy nhưng lại ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của chị mình. Cùng là phụ nữ, có lẽ chế Hai cũng như tôi, cũng khao khát tình cảm vợ chồng hơn ai hết. Cơm nước xong, tôi ngồi sau hè rửa chén thì Trung cũng đi theo, nhìn hai công ruộng đầy mạ non tôi thấy mắt cay xè. Tôi lấy chồng rồi, ai cùng chế Hai gặt lúa, cày cấy ruộng vườn. Trung là người đàn ông từng trải nên nhận ra ngay tâm tư ấy, anh giúp tôi múc nước đổ xuống thau, giọng từ tốn: “Cưới nhau rồi anh sẽ thường xuyên đưa em về nhà thăm chế Hai. Tới mùa gặt anh nhờ người qua phụ. Em đừng suy nghĩ nhiều”. Tôi chỉ gật đầu nhẹ vì chẳng biết nói gì.
Hai tháng sau, ngày trọng đại của đời người con gái cũng đến. Tôi ngồi trong phòng hồi hộp chờ Trung. Nhìn vào gương, hiện trong mắt tôi là hình ảnh cô dâu lộng lẫy với mái tóc bồng, phần đuôi uốn xoăn nhẹ. Điểm xuyến trên đỉnh đầu là viền hoa li ti. Ai ai cũng bảo tôi đẹp rạng ngời. Chiếc váy cưới trắng khoác lên người khiến tôi thêm phần kiều diễm. Qua ngưỡng 30, nhan sắc của tôi đã trở nên mặn mà, đằm thắm - Trung vẫn hay khen tôi như thế. Rồi phút giây quan trọng cũng đến, tôi nghe bên ngoài tiếng chú Tư thông báo là đàn trai đang bưng mâm quả từ ngoài ngõ đi vào. Hôm nay nhà tôi chỉ còn lại vài người đi đưa dâu. Nhờ nắng tốt mà tiệc xuất giá tối qua được họ hàng, láng giềng đến đủ mặt chung vui. Cũng lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy bên nội sốt sắng, nhiệt tình với chị em tôi. Lúc làm lễ từ đường, thấy cảnh nhà đơn chiếc, mấy cô mấy chú ra bàn ngồi uống ly rượu lễ khiến hai chị em cảm thấy rất ấm lòng. Ngồi trong này, mặc dù nghe chủ lễ nói bài bản, rất hay nhưng tôi không tài nào tập trung bởi những cảm xúc đan xen, lẫn lộn. Vậy là ít phút nữa thôi, tôi đã trở thành vợ của Trung. Tôi sẽ không còn bị người đời dị nghị là "gái ế" suốt ngày lầm lũi, quấn quýt bên bà chị già khắc khổ. Đến lúc đàn gái cho của hồi môn, chế Hai trình ra mớ vàng lụn vụn nhưng tròn trĩnh một cây khiến tôi rơi nước mắt. Bao nhiêu của cải tích lũy bấy lâu, chế dành hết cho đứa em gái cũng là người thân duy nhất của mình. Nhìn chiếc nhẫn, tấm lắc, cọng dây chuyền rời rạc, tôi thấy mắt mình mờ bởi làn nước bao vây. Nhớ mấy bữa chế bệnh, tôi năn nỉ kêu đi bác sĩ, chế nhất định không đi. Tết nhứt hay đám tiệc, tôi chèo kéo mua đồ mới mặc, chế cũng quyết không chịu. Nhiều lúc tôi tức anh ách vì cái kiểu ăn không dám ăn, mặc không dám mặc của chế, nhưng nào biết một cây vàng làm của hồi môn mà chế cho tôi là từ cách sống tằn tiện ấy.
Sau những nghi thức, lễ nghi, Trung nắm lấy tay tôi cùng đi ra đầu ngõ. Tôi bước về phía trước mà không có dũng khí ngoái đầu nhìn lại căn nhà lá tiêu điều. Đó là mái tranh mà tôi gắn bó hơn 30 năm, nơi có hai chiếc bóng ra vào, tối lửa tắt đèn em chị có nhau. Dòng sông quê vẫn chảy xuôi lững lờ hai con nước. Rồi đây chẳng còn tiếng í ới gọi nhau khi đến bữa cơm chiều. Ở nơi đó, đang có dáng người nhỏ bé cô đơn lặng lẽ nén đi dòng nước mắt…
Trần Như Ý
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước