Truyện ngắn
Mùa cấy
Những cánh đồng lúa xanh xanh khi những cơn gió thoảng qua tạo nên từng lượn sóng thật sinh động, đó là hình ảnh đẹp hiền hòa, mộc mạc, gần gũi như chính những con người nông dân chất phác, hiền hậu. Cánh đồng còn đẹp hơn bởi những câu hát, vần thơ… đã làm cho bao tâm hồn biết yêu đồng lúa dù có khi bàn chân chưa một lần chạm đến.
Quê của tôi ngày trước cũng là nơi trồng lúa, nên trong ký ức của tôi những hình ảnh về mùa gặt, mùa cấy, mùa dọn rơm rạ đốt đồng khói bay mù mịt cả góc trời tôi vẫn còn nhớ rõ như in. Nhưng có lẽ mùa đi cấy làm tôi nhớ nhất. Vào mùa cấy, những đám mạ non được nhổ lên bó lại thành từng bó rồi chuyển ra đều khắp cánh đồng. Lúc này nước được đưa vô ngập sâu hơn mặt ruộng cho đất mềm để cấy lúa. Ngày trước cấy lúa mùa mỗi năm chỉ có một vụ. Khoảng cuối năm mới đến mùa thu hoạch. Cũng có những mảnh ruộng cấy muộn phải chờ ra tết lúa mới chín. Vào mùa cấy thì rất nhộn nhịp, một số gia đình cấy nhà, còn lại đa số chị em trong xóm cấy vần công với nhau. Hễ xong mảnh ruộng nhà này thì kéo sang mảnh ruộng của nhà kế bên. Chị em vừa cấy vừa bàn tán đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện nuôi gà, nuôi heo tới chuyện cưới vợ, gả chồng của bà con đầu xóm, cuối ngõ… Những bụi mạ non trên tay được tách ra từng lọn nhỏ và cắm xuống đất một cách thuần thục, nhanh nhẹn và rất chuyên nghiệp. Lúc mới vào cấy thì ai cũng rất cẩn thận đều tay để cho ngay hàng thẳng lối. Khi gần hết buổi, ai nấy cũng mệt lại thêm phần sợ bị thua rồi bị bỏ lại phía sau nên nhìn lối mạ chẳng còn thẳng hàng như lúc đầu nữa. Nhưng điều đó chẳng có sao, cùng lắm thì nhìn lại hàng lúa đã cấy xong rồi cùng nhau mà cười.
Đi cấy mình mẩy chị em đều ướt hết đã đành. Cộng thêm mùa này trời hay đổ mưa nên ướt lại càng thêm ướt. Vậy đó, nhưng những ngày cuối tuần lại còn mang chiếc radio theo để nghe ca cải lương hoặc những chương trình mình yêu thích, xem như nguồn giải trí, thư giãn vậy. Nhớ mà tội nghiệp cái đài. Để chiếc radio trên chiếc xuồng nhỏ rồi cấy tới đâu thì kéo xuồng theo tới đó, thế là vừa cấy vừa nghe đài luôn. Khi trời mưa thì lấy cái thau mà đậy chiếc radio lại, thế là vẫn nghe được mặc kệ trời đang mưa.
Hôm nào đi cấy xa nhà thì mấy chị em đem cơm theo ăn. Bữa cơm lót dạ cũng thật đơn sơ. Khi thì cá ròng ròng, cá sặc kho khô thêm vài trái dưa leo, hoặc mắm chưng ăn kèm với bông súng và chuối chát, đôi khi chỉ vài con khô nướng ăn với cơm nguội vẫn đủ sức để cấy buổi đứng vì đường xa không về nhà nghỉ trưa. Có những hôm mệt quá, cơm và đồ ăn để sẵn trên chiếc xuồng chở mạ. Chiếc xuồng nhỏ mà chị em có tới năm hoặc bảy người. Thế là cơm và đồ ăn để trên xuồng, còn chị em thì ngồi xung quanh dưới nước mà ăn. Vừa ăn vừa nhìn nhau cười, cứ bảo nhau rằng: trên thế giới này chắc chưa có nước nào ăn cơm kiểu giống như chị em mình. Nó ngộ ngộ sao ấy!
Mấy chị em đi cấy chung lần lượt ai cũng lập gia đình. Người lấy chồng gần, người lấy chồng xa, người vẫn bám quê, người thì về thành phố… Những buổi đi cấy chung cũng dần trôi vào ký ức. Cánh đồng lúa gia đình tôi canh tác giờ em trai tôi đã chuyển đổi thành vuông nuôi tôm, nuôi cua. Vẫn còn một số gia đình trồng lúa ngắn ngày xen với những vụ tôm cua, chủ yếu là lấy gốc rạ làm thức ăn tự nhiên cho chúng. Lúa thu hoạch không nhiều, có khi thất trắng vì nước mặn về sớm nhưng bà con vẫn cấy lúa để cải tạo đất cho những vụ sau.
Hôm rồi có đứa bạn cùng quê gọi điện hỏi thăm. Nói chuyện một hồi nó lại nhắc về thuở đi cấy ngày xưa. Tự dưng ký ức trong tôi lại hiện về nguyên vẹn. Tôi nhớ đồng và nhớ những ngày cùng chị em đi cấy. Dường như mọi thứ chỉ mới xảy ra hôm qua…
Trần Thị Thùy Linh
- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Đại biểu HĐND tỉnh và TP. Bạc Liêu tiếp xúc cử tri Phường 7 và 8
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phước Long tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Phú Tây
- Ông Phạm Hoàng Minh tiếp tục giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
- LĐLĐ tỉnh: Triển khai hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa