Tòa Soạn - Bạn đọc
“Xẻo” đất mặt ruộng bán - lợi bất cập hại
Thời gian gần đây, người dân ở ven TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi thi nhau “xẻo” đất mặt ruộng để bán. Việc mua bán diễn ra công khai mặc dù đây là hành vi bị ngăn cấm, bởi cách làm này sẽ gây cạn kiệt lớp phù sa màu mỡ, có thể làm biến dạng địa hình, khiến việc canh tác đất nông nghiệp trở nên khó khăn...
Theo giải thích của nhiều người bán đất mặt ruộng là do đất gò cao, sản xuất không hiệu quả nên phải bán đất để hạ thấp mặt ruộng, vừa lại có tiền đầu tư cho vụ sau. Người mua đất là những người có nhu cầu cần san lấp nền nhà, hoặc nâng cao diện tích đất bị trũng của mình. Ngoài ra, còn có cả một bộ phận “đầu nậu” chuyên đi thu mua đất mặt ruộng để bán lại cho những công trình xây dựng, bán cho người có nhu cầu…
Đất mặt ruộng được kêu bán nhiều nhất ở các phường, xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi với giá khoảng 2,5 triệu đồng/công (1.000m2). Theo chị N.T.M (ngụ xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), lý do chị kêu người để “xẻo” đất mặt ruộng bán là vì kẹt tiền làm nhà mồ cho cha mẹ. Khi được hỏi việc mua bán có xin phép chính quyền địa phương không thì chị M. cười: “Đất ruộng của nhà tui thì tui bán, chỉ bán lớp đất mặt phía trên, sau đó cũng cải tạo làm ruộng tiếp tục, đâu có chuyển đổi gì khác mà phải xin phép”.
Chính vì cần tiền mà nhiều nông dân đã bán đất mặt ruộng. Tuy nhiên đây là việc làm lợi bất cập hại. Theo ông Nguyễn Văn Năm (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), khi lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi thì năng suất lúa sẽ giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Mặt ruộng bị biến dạng, chỗ cao, chỗ thấp, rồi biến thành đất trũng, gò cao, sẽ gây khó khăn cho điều tiết nước trên đồng ruộng...
Sở TN-MT và chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không được khai thác đất mặt ruộng bởi đây là một trong những hình thức trực tiếp hủy hoại nguồn tài nguyên đất, và về lâu dài làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi bán đất mặt ruộng lại không triệt để, hay nói chính xác hơn là không thể thực hiện được. Vì người dân cứ dựa vào lý do để cải tạo mặt ruộng của mình, thông qua đó công khai bán đất không thể kiểm soát. Lớp đất mặt chính là lớp chứa nhiều dinh dưỡng, nhiều chất màu mỡ giúp cây lúa phát triển tươi tốt. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đây là việc làm không khoa học, phá đi độ màu mỡ của đất. Nếu ruộng ở gần sông, lớp đất mặt là lớp phù sa nhưng đào sâu xuống từ 50 - 80cm sẽ là lớp đất phèn. Còn nếu ở khu vực xa sông rạch, lớp phèn còn dễ nhận diện hơn khi lớp đất mặt bị đào chuyển đi khoảng 20cm. Vì vậy, nếu không đào lớp đất mặt, lớp đất phía dưới chỉ là lớp đất phèn tiềm tàng. Còn nếu đào lớp đất mặt lên, lớp đất bên dưới sẽ là đất phèn thật sự. Bán đất mặt ruộng đồng nghĩa với việc phá đi sinh kế lâu dài.
Làm một khảo sát nhỏ ở những địa phương có nhiều người dân thường bán đất mặt ruộng vào mùa khô trên thực tế, cho đến thời điểm này cũng chưa thấy địa phương nào có hình thức xử lý đối với các hành vi này. Trong khi theo quy định của pháp luật, việc khai thác đất là tài nguyên phải xin phép và được cấp phép. Thiết nghĩ Sở TN-MT, chính quyền địa phương những nơi có đất ruộng đang canh tác phải siết chặt quản lý, tránh để tình trạng tài nguyên đất nông nghiệp bị khai thác, sử dụng trái phép.
Kim Phượng
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới