Tòa Soạn - Bạn đọc
Xây dựng chính quyền điện tử
Bài 2: Hướng đến nộp và tiếp nhận hồ sơ qua mạng Internet
Bài cuối: Nâng cao dân trí để khai thác tốt dịch vụ công điện tử
Chính quyền quyết tâm xây dựng dịch vụ hành chính công hiện đại để phục vụ tổ chức, cá nhân mau chóng, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Ngược lại, người dân vẫn quen với cách giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cũ, nên lượng hồ sơ nộp qua mạng điện tử chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cán bộ Sở GT-VT chụp ảnh làm GPLX cho công dân. Ảnh: N.Q
Hầu hết người dân, doanh nghiệp vẫn còn thói quen nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tiếp tại cơ quan công quyền. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX tại Sở GT-VT. Ảnh: N.Q
“Chưa biết việc đổi giấy phép lái xe qua mạng”
Chiều 26/6, anh Trương Minh Thắng (TP. Bạc Liêu) mang sổ hộ khẩu, đơn đề nghị cấp lại Giấy phép lái xe (GPLX) mô tô đến bộ phận “một cửa” của Sở GT-VT. Trong lúc ngồi chờ đến lượt mình làm thủ tục, qua trò chuyện anh Thắng cho hay, anh hoàn toàn không biết có dịch vụ cấp đổi GPLX trực tuyến. Dịch vụ công mức độ 3 này đã được Sở GT-VT tổ chức thực hiện từ ngày 30/6/2015, tức cách nay khoảng 2 năm. Công dân có yêu cầu thì vào trang web http://dichvucong.gplx.gov.vn:8000 đăng ký đổi GPLX. Sau khi cán bộ kiểm tra hồ sơ hợp lệ, công dân sẽ nhận được tin nhắn, hoặc thư điện tử thông báo hồ sơ được xác nhận và lịch hẹn xử lý. Đúng thời gian hẹn, công dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở, mang theo đầy đủ hồ sơ gốc.
Tiếp nối công tác này, giữa tháng 5/2017, Sở GT-VT tập huấn sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các TTHC cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu ô tô; vận tải đường bộ liên vận quốc tế Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc cho gần 30 đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh. Sở GT-VT cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ vận tải cách đăng ký tài khoản, đăng nhập hệ thống để nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến.
Ông Lương Phương Đông - Phó Giám đốc Sở GT-VT nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính mang lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đi lại, tăng mức độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, công khai minh bạch tiến trình giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Thực tế thì không mấy người dân, tổ chức sử dụng các dịch vụ công này. Sáu tháng qua, có 6 hồ sơ đổi GPLX nộp qua mạng, con số cực nhỏ khi so với lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận “một cửa” hoặc thông qua Bưu điện là 8.000 hồ sơ.
Chỉ có 10 doanh nghiệp đăng ký qua mạng!
Tình hình đăng ký kinh doanh (ĐKKD) trực tuyến cũng chẳng “đắt khách” hơn việc đổi GPLX. Sở KH-ĐT triển khai ĐKKD điện tử từ khi có Thông tư 01 ngày 21/1/2013 của Bộ KH-ĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp. Phần mềm đăng ký trực tuyến được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng và có hướng dẫn cụ thể từng bước đăng nhập, điền hồ sơ. Phòng ĐKKD chỉ kiểm tra bản khai điện tử và bản giấy xem có khớp không, không phải xử lý, cập nhật, nên rút ngắn thời gian cho cả hai bên. Một tiện lợi nữa là, đăng ký qua mạng được nhiều hỗ trợ, chẳng hạn như không phải nộp phí ĐKKD 200.000 đồng. Ấy vậy mà, qua hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay chỉ mới có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký lập mới, thay đổi, công bố mẫu dấu trực tuyến, và tất cả đều là doanh nghiệp ngoài tỉnh, gồm các nhà bán lẻ hàng đầu như Vincom, Nguyễn Kim.
Trước thực trạng đó, Sở KH-ĐT thực hiện đề án đăng ký doanh nghiệp tại nhà từ năm 2014. Đề án không đòi hỏi người sử dụng phải “biết chút chút” về CNTT. Doanh nghiệp đến Phòng ĐKKD hoặc lên cổng thông tin điện tử của Sở KH-ĐT lấy biểu mẫu về, điền đầy đủ thông tin, nộp và nhập kết quả qua dịch vụ chuyển phát của Bưu điện. Vậy mà cũng chỉ có hơn 10 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, bởi chủ doanh nghiệp trong tỉnh vẫn có thói quen đến trực tiếp bộ phận “một cửa” của Sở KH-ĐT.
Ở Cục Thuế tỉnh, việc ứng dụng CNTT mang đến kết quả tốt hơn. Ông Mã Chiến Lũy - Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cho biết có đến 95% doanh nghiệp đã khai thuế qua mạng Internet. Năm 2014, Cục Thuế áp dụng khai thuế điện tử, mở lớp tập huấn mỗi huyện 1 lớp, tuyên truyền về lợi ích và thuận lợi khi doanh nghiệp thực hiện việc này. Doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng bởi họ chỉ việc ở trụ sở thao tác trên máy vi tính có kết nối mạng là hoàn thành thủ tục kê khai. Hiện đã khai qua mạng 9 loại sắc thuế, còn thuế liên quan nhà đất đang trên lộ trình thực hiện.
Vẫn giữ thói quen đến trực tiếp
Khi triển khai mô hình Một cửa điện tử ở các huyện, chính quyền thiết lập dịch vụ tra cứu thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC qua mạng Internet, tổng đài hoặc tin nhắn SMS. Qua thời gian, nhận thấy tổ chức, cá nhân cư trú tại TP. Bạc Liêu sử dụng dịch vụ này nhiều, còn hầu hết vẫn giữ thói quen trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để hỏi cán bộ. Nói rộng ra, bà con chưa quen sử dụng công nghệ viễn thông, tin học hiện đại, họ vẫn thấy an tâm khi giao dịch mặt đối mặt với cán bộ, công chức dù phải mang theo nhiều loại giấy tờ.
Ngoài ra, để sử dụng dịch vụ hành chính công mức độ 3, mức độ 4, công dân phải có kiến thức và một số thiết bị liên quan. Đơn cử như để ĐKKD trực tuyến, chủ doanh nghiệp phải mua chữ ký số cá nhân, chữ ký số tổ chức trước và sau khi đăng ký. Hiện có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số. Kế đến, phải biết cách tra trực tuyến mã ngành quy định tại Quyết định 337 của Bộ KH-ĐT, có máy quét (scan) bản khai đã ký và đóng dấu... Bà Tô Tú Ngân, Phó trưởng phòng ĐKKD (Sở KH-ĐT) lý giải thêm: “Doanh nghiệp trong tỉnh phần nhiều chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên, hoạt động trong lĩnh vực thu mua tôm, kinh doanh vàng bạc, đá quý, họ không rành về CNTT nên thấy cầm hồ sơ đến trực tiếp vẫn hơn”. Tương tự, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách chưa thiết tha với dịch vụ công điện tử.
Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh là cơ sở cho việc tiếp tục triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo đồng bộ, liên thông, chia sẻ thông tin với Trung ương và các cấp, ngành trong tỉnh thông suốt, thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ toàn diện của các cơ quan Nhà nước. Vì những lẽ đó, ngày 6/1/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 01/KH-UBND về việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu. Trước đó, ngày 11/3/2015, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính và Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT giai đoạn 2015 - 2020 trên 4 lĩnh vực phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, có thể thấy Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng một chính quyền hiện đại, ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân. Để Kế hoạch 01 thành công, công tác nâng cao dân trí, nhất là khả năng khai thác, sử dụng CNTT của quần chúng nhân dân phải tương ứng với mức độ dịch vụ công điện tử.
Nguyễn Quốc
“Việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ kiến trúc chính quyền điện tử Việt Nam”.
(Kế hoạch 01/KH-UBND ngày 6/1/2016 của UBND tỉnh )
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới