Tòa Soạn - Bạn đọc
Tự vẫn - nhìn dưới góc độ pháp luật
Hôm rồi tôi đọc thông tin trên báo Bạc Liêu về trường hợp một người tự vẫn vì bế tắc trong cuộc sống, sao nghe buồn vô hạn. Lá thư tuyệt mệnh mà người này để lại cho gia đình và những người còn sống là hai bộ hồ sơ xin việc kèm theo tấm giấy có ghi hai chữ “bế tắc” lớn đính kèm. Lý do vì người này đi xin việc nhưng không được, trong khi bản thân vừa tốt nghiệp cao đẳng y tế.
Buồn vì con kiến còn quý mạng sống, sao con người vì chút bế tắc lại có thể tìm đến cái chết. Trong khi xung quanh mình còn có nhiều người phải chết vì bệnh tật. Họ phải đấu tranh không mệt mỏi với những chứng bệnh quái ác, giành giật từng hơi thở để được sống. Họ quý cuộc sống đến rơi nước mắt, mà vẫn phải chết khi sức khỏe không còn, nghị lực không đủ để duy trì hơi thở. Ở những người chọn con đường tự tử để giải quyết bế tắc, giữa lý và tình, liệu đâu là thước đo, đâu là sự thông cảm, đâu là lên án, phê phán?
Ngày nào cũng đọc đâu đó những thông tin có người chết vì đánh nhau, thậm chí là những người vì bế tắc trong cuộc sống, tự giải quyết bằng cái chết. Người ta hay nói, nghĩa tử là nghĩa tận, không nên “nói ra nói vào” bởi một khi đã tìm đến với cái chết, hẳn con người ta phải tuyệt vọng đến cùng cực, đau đớn đến vô cùng. Nhưng hàng ngày, cũng có biết bao người rất yêu cuộc sống, mong muốn có được một cuộc sống bình thường mà vẫn rất khó. Có thể họ, hàng ngày hàng giờ phải đấu tranh để sinh tồn, bươn chải từng chút để kiếm miếng cơm manh áo, cũng có thể họ giành giật với tử thần từng chút hơi thở. Họ cần được sống biết bao.
Tự vẫn không phải là cách giải quyết tốt, tuy nhiên, một số người lại chọn cách này để kết thúc mọi việc. Bởi chết là hết, chỉ khổ cho những người còn ở lại phải chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội, đó là chưa nói đến góc độ pháp lý.
Cách đây không lâu, ở huyện P., thông tin về người mẹ cột con vào người rồi cùng trầm mình xuống sông tự vẫn đã gây xôn xao dư luận một thời gian khá dài. Không nói đến những lý do gì đã khiến người phụ nữ ấy phải tìm đến với cái chết. Nhưng nghe kể về tình huống đứa trẻ thơ được mẹ chở đi mua kem ăn, để rồi sau đó bị trói cùng với mẹ mà chết, thật không thể chịu được. Đó là giết người, là tội ác. Giả sử trong một tình huống, người mẹ được cứu sống nhưng đứa trẻ lại chết thì chắc chắn, cơ quan pháp luật sẽ truy tố người phụ nữ đó về tội giết con. Trẻ thơ có tội tình gì? Sinh con ra là cha là mẹ, nhưng dù là cha là mẹ, pháp luật cũng không cho họ có quyền tước đoạt mạng sống của con mình. Cả lý và tình đều không đúng. Bởi về lý, hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi giết người. Về tình, dù chưa đủ nhận thức để có thể tự quyết định cuộc sống của mình, nhưng ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ đã có quyền sống, đã độc lập và là một con người. Ép buộc một con người phải chết, đó chỉ có thể là tội ác.
K.T
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh