Tòa Soạn - Bạn đọc
Từ chuyện uống rượu gây ngộ độc - nói chuyện quản lý việc mua bán rượu truyền thống
Trong đợt tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, tại ấp Mặc Đây (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) đã xảy ra một vụ việc đau lòng khiến 3 người chết, 2 người nguy kịch. Trong đó, 3 người trong gia đình là ông T.V.T (64 tuổi) và bà T.M.T (62 tuổi) tử vong sau khi uống rượu; riêng người con trai là anh T.V.Tr trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, ông N.V.Đ tử vong (là hàng xóm của gia đình ông T.V.T) và 1 người khác nguy kịch cũng do uống rượu.
Rượu trắng được chưng cất truyền thống dễ gây ngộ độc nếu chưng cất không đúng quy trình. Ảnh: K.K
Cái chết bất ngờ và đau lòng của 3 người dân được nghi ngờ do ngộ độc rượu. Bởi trước khi xảy ra sự việc, cả nhà ông T.V.T đã cùng nhiều người trong gia đình và hàng xóm uống rượu trắng (là loại rượu gạo truyền thống, được người dân địa phương chưng cất thủ công). Loại rượu này được bán công khai ở nhiều nơi, ai cũng có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng tạp hóa, điểm bán nhỏ lẻ mà không cần bất cứ loại giấy tờ nào. Rượu cũng không được kiểm tra, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các vụ ngộ độc là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chứa lượng lớn cồn công nghiệp methanol. Nhiều chuyên gia cho biết, rượu truyền thống nấu không đúng quy trình cũng sẽ sản sinh ra methanol. Nếu dùng với số lượng nhiều, có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người.
Báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu rượu có liên quan đến các trường hợp tử vong tại ấp Mặc Đây, Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm) đã tiến hành lấy mẫu rượu và kiểm tra, xét nghiệm các hàm lượng.
Từ kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu rượu có liên quan đến 2 trường hợp tử vong và 1 người nguy kịch, có hàm lượng methanol là 637.911,34, tăng gấp 318,955 lần tiêu chuẩn cho phép (mức cho phép ≤ 2.000). Mẫu rượu có liên quan đến trường hợp ông N.V.Đ tử vong và 1 người nguy kịch, có hàm lượng methanol là 36.299,46, tăng gấp 18,149 lần tiêu chuẩn cho phép. Chính sự vượt ngưỡng này đã gây ngộ độc cho người dùng. Kết quả xử lý đối với trường hợp ngộ độc rượu nêu trên, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề nghị chuyển hồ sơ có liên quan đến Công an huyện Vĩnh Lợi để điều tra làm rõ. Đồng thời kiến nghị các đơn vị có liên quan triển khai cao điểm kiểm tra toàn diện đối với mặt hàng rượu, bia, đồ uống có cồn trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ vụ việc trên, lại nói đến vấn đề quản lý việc mua bán rượu, nhất là rượu được người dân sản xuất, chưng cất theo phương pháp truyền thống bấy lâu nay. Thực tế, các loại rượu này được bán không cần giấy phép, không có ai quản lý, việc sản xuất cũng không theo bất cứ quy định nào. Đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu gây nên những cái chết đau lòng, nhưng nhiều người dân vẫn có thói quen mua rượu sản xuất theo kiểu truyền thống để uống, để đãi khách, để ngâm rượu thuốc…
Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu có quy định cụ thể: kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tuy đã có quy định rõ ràng, nhưng trên thực tế, việc bán rượu truyền thống, nhất là với rượu trắng được chưng cất thủ công hoàn toàn ít được quan tâm, quản lý đến nơi đến chốn. Có lẽ đã đến lúc không thể buông lỏng quản lý đối với các loại thực phẩm có cồn, nhất là rượu.
Kim Kim
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam