Tòa Soạn - Bạn đọc
Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác hòa giải các loại án dân sự
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Lời dạy của Bác ngụ ý là phải tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật cho nhân dân, hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, qua đó góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Các thẩm phán được tái bổ nhiệm. Ảnh: K.P
Việc hòa giải thành các tranh chấp dân sự sẽ làm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, giúp hàn gắn tình cảm trong nhân dân, tạo sự thuận tiện trong giai đoạn thi hành án, đồng thời góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và làm giảm áp lực công việc cho hệ thống tòa án. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển các giao dịch dân sự.
Chỉ thị số 04/2017/CT-TA về tăng cường công tác hòa giải của Chánh án TAND Tối cao đã chỉ đạo 1 vụ án hòa giải thành được tính chỉ tiêu thi đua bằng 2 vụ án đã xét xử. Đồng thời, chỉ thị này đã ghi nhận hai hình thức của kết quả hòa giải thành là ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.
Tại TAND TP. Bạc Liêu, hàng năm số lượng án dân sự hòa giải thành chiếm khoảng 50% tổng số vụ án dân sự phải giải quyết. Năm 2017, TAND TP. Bạc Liêu đã giải quyết 698/799 vụ án dân sự các loại, đạt tỷ lệ 87,4%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi đua. Trong đó, đã hòa giải thành 503/698 vụ, đạt tỷ lệ 72,1%.
Để có được kết quả trên, TAND TP. Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác hòa giải. Đơn cử như việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác hòa giải; nâng cao ý thức pháp luật cho người dân; nâng cao kỹ năng hòa giải và trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký; Thực hiện tốt việc giải thích pháp luật đi đôi với việc tổ chức hòa giải thông qua hoạt động tiếp công dân và các hoạt động tố tụng; tạo điều kiện cho đương sự được trợ giúp pháp lý thông qua người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong đó, ý thức pháp luật của những người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề cho việc hòa giải thành các tranh chấp dân sự tại tòa án. Nếu đương sự có ý thức tuân thủ pháp luật và nhận biết được trách nhiệm pháp lý của mình đối với quan hệ pháp luật có tranh chấp thì họ mới tự nguyện tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, do thủ tục hòa giải có thể thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và ngay tại phiên tòa nên những người trực tiếp điều hành và tham gia việc hòa giải là các thẩm phán, hội thẩm nhân dân và thư ký cần phải nâng cao kỹ năng hòa giải để đủ sức dẫn dắt tranh chấp đạt đến khả năng dung hòa. Ngoài ra, thực tiễn xét xử cho thấy, khi có người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì vụ án được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi hơn và khả năng hòa giải thành rất cao do đương sự đã hiểu rõ trạng thái pháp lý của quan hệ tranh chấp cũng như khả năng thắng kiện hay thua kiện và lợi ích của việc hòa giải thành để thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án.
Trần Bích Ngọc
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới