Tìm hiểu về Ngày pháp luật Việt Nam

Thứ Năm, 05/11/2015 | 09:30

Cách đây 69 năm, ngày 9/11/1946 đã đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Đó là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên - một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta.

Tọa đàm Ngày pháp luật năm 2013 do Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức. Ảnh: Trần Sơn

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người, sau 67 năm,  ngày 9/11/2013 lại được khẳng định giá trị hơn nữa đối với lịch sử lập pháp của Việt Nam, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến và sự tham mưu của ngành Tư pháp về Ngày pháp luật Việt Nam - ngày 9/11 (gọi tắt là Ngày pháp luật).

Điều 8 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời năm 2013 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Thực hiện Ngày pháp luật cũng chính là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Theo đó, Ngày pháp luật được tổ chức hằng năm vào ngày 9/11. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật trong phạm vi cả nước. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày pháp luật, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rất nhiều hình thức thực hiện. Đó là tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về Ngày pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật. Lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, Năm An toàn giao thông, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận pháp luật ở cơ sở…

Ngày pháp luật đã được thực hiện ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp. Đây thật sự là ngày hội của toàn dân. Thông qua sinh hoạt Ngày pháp luật sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, Ngày pháp luật còn giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống, để mọi tầng lớp nhân dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.