Tòa Soạn - Bạn đọc
Tăng cường quản lý nhà nước đối với tiền công đức: Người dân đồng tình ủng hộ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 77 yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), ngăn chặn lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Thông tin trên nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân, khi hầu hết mọi người đều cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần quản lý đối với các khoản này để tiền được sử dụng đúng mục đích.
Tăng cường quản lý tiền công đức là vấn đề được người dân quan tâm. Ảnh: K.K
CÒN NHIỀU KẼ HỞ TRONG THU - CHI
Tiền công đức - xuất phát tên gọi này vì tiền ban đầu được thu từ các hòm công đức được đặt ở các điểm chùa chiền, các DTLS-VH… Những khoản tiền này chủ yếu do người dân, khách hành hương, khách tham quan tự nguyện đóng góp, thường dùng để phục vụ trở lại cho các hoạt động quản lý, trùng tu, cải tạo cơ sở thờ tự, di tích, đền, chùa, miếu… Từ trước đến nay, đây là những khoản tiền ít được kiểm soát hoặc kiểm soát chưa đầy đủ, chủ yếu do các cơ sở tự quản lý. Nhưng các khoản tiền này ở nhiều nơi không hề nhỏ, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng, nên dần dà phát sinh nhiều vấn đề gây dư luận không tốt thời quan qua. Từ những thông tin trên mạng xã hội, qua các phương tiện truyền thông đã cho thấy một thực trạng: nhiều nơi, những người quản lý tiền công đức đã thực hiện việc thu - chi không rõ ràng, thậm chí sử dụng các khoản tiền này vào mục đích cá nhân, biến tiền công đức thành tài sản riêng…
Ông N.M.T (Phường 3, TP. Bạc Liêu) bức xúc: “Giờ đi đến đâu ở các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng cũng thấy đặt các thùng công đức, tuy nhiên, việc quản lý tiền từ các thùng công đức không thấy nói đến, cũng không có công khai thu - chi. Ai xài, xài vào việc gì? Cho nên tôi nghĩ, Nhà nước kiểm soát, quản lý những khoản tiền này để người phụ trách sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa là hoàn toàn cần thiết, tôi vô cùng tán thành”. Không chỉ ông T., nhiều người khi nghe thông tin Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện yêu cầu tăng cường việc quản lý tài chính đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các DTLS-VH đều hết sức đồng tình ủng hộ. Đây là điều mà người dân mong chờ đã lâu, vì trên thực tế, việc quản lý tiền công đức, tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro thất thoát, trộm cắp và nhiều biến tướng.
CẦN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CHẶT CHẼ HƠN
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản như Nghị định 110/2018/NĐ-CP quản lý và tổ chức lễ hội; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nhưng trên thực tế, công tác quản lý nhà nước với tiền công đức, tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Vì ngoài tiền công đức được bá tánh bỏ vào thùng công đức, nhiều người còn trực tiếp đưa tiền công đức dưới nhiều dạng khác nhau, có khi là trực tiếp cho những người quản lý cơ sở thờ tự, di tích… với mong muốn được biệt đãi cao hơn, được hưởng nhiều công đức hơn. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín từ các hoạt động về tôn giáo, tín ngưỡng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các DTLS-VH trên toàn quốc năm 2023 để chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả theo quy định nhằm tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các DTLS-VH. Cùng với đó, rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội để ban hành quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp quy định.
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan công khai, minh bạch việc thu - chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
KIM KIM
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc